Sáng ngày 09/4/2022, tại Phòng họp 2, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Học viện đề tài trọng điểm: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống tự động nuôi vi tảo liên tục làm nguồn cung cấp thức ăn trong các trại sản xuất giống thủy sản”, mã số: T2019 – 05 – 05 TĐ.
Đề tài do TS. Nguyễn Quang Huy làm Chủ nhiệm. TS. Nguyễn Thanh Hải, Phó Khoa Cơ – Điện, Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi nghiệm thu.
Tham gia buổi nghiệm thu có TS. Hoàng Đăng Dũng, đại diện Ban Khoa học và Công nghệ, các thành viên Hội đồng nghiệm thu, Chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia đề tài.
Tại buổi nghiệm thu, TS. Nguyễn Quang Huy, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản và quá trình nghiên cứu thực hiện đề tài.
Bắt nguồn từ thực tế, vi tảo là nguồn thức ăn rất quan trọng đối với giai đoạn đầu của nhiều loài thủy sản, cho tỷ lệ sống của con giống cao hơn nhiều so với việc nuôi bằng các thức ăn công nghiệp khác. Song ở Việt Nam, các nghiên cứu ứng dụng các công nghệ nuôi tảo làm thức ăn trong thủy sản còn rất hạn chế dẫn tới năng suất chất lượng của tảo được nuôi làm thức ăn thủy sản còn thấp, chưa đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất.
Đề tài tiến hành nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống tự động nuôi tảo theo phương pháp nuôi ổn định mật độ tảo (Turbidostat culture), giống tảo được sử dụng nuôi trong mô hình là Chlorella Vulgaris . Hệ thống sử dụng công nghệ xử lý ảnh để theo dõi, giám sát mật độ tảo (xác định tảo đến thời điểm thu hoạch) và kiểm soát các thông số của bể nuôi tảo như chỉ số pH và oxy hòa tan DO.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đã có những ý kiến góp ý cho Đề tài.
TS. Nguyễn Xuân Trường, Phó Khoa Cơ – Điện, Phản biện 1 đánh giá đề tài đã hoàn thành được mục tiêu đề ra, đã thiết kế, chế tạo được hệ thống nuôi vi tảo liên tục theo phương pháp ổn định mật độ tảo, công suất 80 lít/ngày; hoàn thành tốt việc chế tạo phần cứng, phần mềm, lắp đặt khảo nghiệm hệ thống, thực hiện phân tích và đánh giá hệ thống tự động nuôi tảo với việc sử dụng nuôi giống tảo Chlorella Vulgaris. Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu rõ ràng, logic và khoa học.
Đồng thuận với ý kiến của TS. Nguyễn Xuân Trường, TS. Đỗ Thành Hiếu, giảng viên khoa Điện – Điện tử, đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Ủy viên Hội đồng nhận xét đề tài đã đạt được mục tiêu theo thuyết minh của đề tài, thực hiện chế tạo được mô hình nuôi tảo tự động, đặc biệt đã sử dụng công nghệ xử lý ảnh để chế tạo hệ thống tự động xác định mật độ tảo, đây là một hướng mới có khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Đồng thời, công bố 01 bài báo khoa học quốc tế trên tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI, đây cũng là sản phẩm nổi trội của đề tài.
Tổng kết kết quả nghiệm thu, TS. Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng cho rằng đây là một đề tài có kết quả nghiên cứu có tính mới và giá trị ứng dụng cao vào thực tiễn tại các cơ sở sản xuất giống và sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên các ngành Kỹ thuật và Thủy sản.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều nhất trí thông qua Đề tài, Hội đồng nhất trí đánh giá Đề tài xếp loại Tốt.
Sau thời gian làm việc tích cực, đánh giá nghiêm túc, khách quan, buổi nghiệm thu kết thúc thành công tốt đẹp./.
Một số hình ảnh buổi báo cáo