1. Hợp tác quốc tế
Hợp tác quốc tế là một nhân tố quan trọng để xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của khoa Cơ – Điện. Trong những năm qua khoa Cơ – Điện đã hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp trên thế giới như: Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo – Nhật Bản; Đại học Rostock – CHLB Đức; Viện Nghiên cứu Máy nông nghiệp – Nhật Bản; Đại học Nông nghiệp Slovak – Slovakia; Đại học Nagoya – Nhật Bản; Đại học Ruse – Bulgaria; Đại học Hiroshima – Nhật Bản; Đại học Công nghệ Curin – Úc; Đại học Kanazawa – Nhật Bản; Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh – Trung Quốc,…
Trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, ngày càng có nhiều giảng viên của Khoa được cử đi học tập nâng cao trình độ tại nước ngoài như: Đức, Nhật, Nga, Anh, Úc, Bulgaria, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc,… bằng việc ký kết các chương trình hợp tác giữa Khoa và các trường đại học, viện nghiên cứu của các nước.
2. Hợp tác trong nước
Hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ với các đối tác trong nước được Khoa hết sức coi trọng thông qua các thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu khoa học. Khoa đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với các viện, trung tâm, doanh nghiệp nhằm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Mối quan hệ hợp tác này đã và đang là cầu nối giúp sinh viên trong Khoa thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và là nơi thực tập giáo trình, thực tập tốt nghiệp cho sinh viên cuối khóa.
3. Định hướng hợp tác trong và ngoài nước
– Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các Trường, Viện nghiên cứu của các nước trên thế giới và khu vực đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan,… đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
– Học hỏi những kinh nghiệm trong việc đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp và thị trường hóa sản phẩm nghiên cứu nông nghiệp 4.0.
– Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các bộ môn trong Khoa, các khoa trong Học viện; Hình thành các nhóm nghiên cứu đa ngành, liên ngành có thể giải quyết nhiều vấn đề lớn của xã hội.
– Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp chế tạo và cơ sở kinh doanh máy móc nông nghiệp để thiết kế, chế tạo máy và thị trường hóa kết quả nghiên cứu.
– Hợp tác với các địa phương để nắm bắt nhu cầu về cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất nông nghiệp, chuyển giao công nghệ, thiết bị hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu theo đặt hàng.