1. Khoa Cơ – Điện với nghiên cứu khoa học

Khoa Cơ – Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành. Bên cạnh công tác đào tạo các ngành đại học và trên đại học, lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật được Khoa hết sức coi trọng và ngày càng mở rộng hợp tác nghiên cứu, đã hiện thực hóa được nhiều ý tưởng sáng tạo mới. 

Với đội ngũ các nhà khoa học được đào tạo bài bản ở nhiều nước phát triển trên thế giới: Anh, Úc, Đức, Nhật, Nga, Bulgaria, Trung Quốc,.. các trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại được đầu tư trong những năm gần đây, cùng với sự mở rộng hợp tác với các Viện Nghiên cứu, các Trường Đại học trong và ngoài nước, Khoa Cơ – Điện đang hướng tới mục tiêu chung là xây dựng và phát triển Khoa thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu có khả năng tạo ra các sản phẩm có trí tuệ cao, áp dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn đặc biệt là tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp 4.0. 

Trong Nghiên cứu Khoa học, khoa Cơ- Điện đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học thuộc lĩnh vực cơ điện nông nghiệp, thiết kế chế tạo hàng trăm mẫu máy nông nghiệp phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Bằng sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, với trái tim khối óc, mồ hôi, và cả xương máu của nhiều thế hệ trong hơn nửa thế kỷ qua, cán bộ, giáo viên và sinh viên khoa Cơ – Điện đã từng bước tự khẳng định vị thế của mình trong Học viện và trong xã hội. 

2. Định hướng nghiên cứu

– Nghiên cứu thiết kế, chế tạo mới và cải tiến máy móc, thiết bị đã có phục vụ cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cây trồng. Đặc biệt tập trung vào cơ giới hóa sản xuất lúa và một số cây trồng cạn ngô, sắn, mía, chè, đậu tương, lạc…

– Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm (chú trọng chế biến tinh, chế biến sâu các sản phẩm chủ lực và rau quả có tiềm năng): lúa gạo, sắn, dong giềng, khoai tây, khoai lang, dứa, vải, nhãn, cây có múi, rau ăn lá, rau mầm, chè, mật ong, thịt các loại, tôm cá biển.

– Công nghệ và hệ thống thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản; thiết bị cơ giới hóa chuồng trại, giết mổ và bảo quản sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

– Công nghệ và thiết bị xử lý phế phụ phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản để tạo ra thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, nhiên liệu và phân bón.

– Nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển hệ thống thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

– Ứng dụng kỹ thuật điện và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp và bảo quản, chế biến nông sản.

– Năng lượng mới và tái tạo, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp phát điện.

– Chuyển giao công nghệ và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo quản, chế biến nông sản.