Ngày 12/3, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến ‘Ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới tại các trường THPT và đại học’. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các trường xây dựng kế hoạch dạy – học đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Không chỉ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong khuôn viên và hỗ trợ sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội, Học viện còn nghiên cứu, chế tạo ra nước sát khuẩn tay dành tặng cho hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và các trường THPT có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đào tạo của Học viện.
GS.TS Nguyễn Thị Lan phát biểu tại Hội thảo
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, với thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, Học viện đã được Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp giấy chứng nhận năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. Hơn 3 tháng qua, Học viện đã tổ chức xét nghiệp SARS-CoV-2 cho hàng vạn cán bộ, viên chức, sinh viên, người dân, giáo viên, học sinh các trường THPT.
Học viện đã tặng kit xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 200 trường THPT trên cả nước, góp phần chung tay cùng các trường THPT ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Và nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Học viện đã đổi mới trong công tác tuyển sinh. Tuyển sinh online toàn bộ, học sinh làm thủ tục đăng ký nộp hồ sơ qua online, xác nhận nhập học, nộp kinh phí và đăng ký nhập học qua online. Học sinh có thể đăng ký học năm thứ nhất online hoặc off line. Học sinh có thể tham gia xét tuyển học bổng online.
GS.TS Nguyễn Thị Lan xác định tinh thần chống dịch Covid-19 như chống giặc
Về công tác đào tạo, Học viện đã nhanh chóng chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động đào tạo, tuyển sinh (1 triệu tài khoản bản quyền MS team). Tổ chức tập huấn sử dụng đến từng cán bộ, sinh viên; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật. Thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá. Xây dựng kịch bản chi tiết cho từng cấp độ dịch, hướng dẫn cụ thể cho từng nội dung: lý thuyết, thực hành, thực tập nghề nghiệp (video – Hyperlink), thực tập tốt nghiệp.
Ngoài ra, về công tác khoa học công nghệ và chuyển giao, Học viện đã xây dựng kịch bản ứng phó đối với từng cấp độ dịch để giải quyết các nhiệm vụ khoa học (không có F0 tại Gia Lâm; Có F0 tại Gia Lâm và Học viện; Có lây nhiễm cộng đồng). Xây dựng kịch bản ứng phó với các đề tài triển khai ở địa phương theo từng cấp độ dịch. Tăng cường hội thảo khoa học online để kết nối. Học viện vẫn tích cực đấu thầu được nhiều đề tài trong nước, quốc tế và các địa phương.
Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nói chung và thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên nói riêng không nên có tư tưởng sẽ trở thành F0. Bởi, nếu bạn bị F0, sẽ có nguy cơ bệnh nặng, phải nhập viện, thậm chí là tử vong.
GS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế
trình bày tham luận tại Hội thảo
Ngoài ra, bạn có thể phải đối diện với nguy cơ hậu Covid-19. Mặt khác, nếu bạn bị F0, rất có thể sẽ trở thành nguồn lây cho người khác, trong đó có trẻ em. Nếu trẻ không biết mình là F0 mà vẫn đến trường thì có thể lây sang các bạn khác. Như vậy, sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn và trẻ em sẽ không được đến trường vì bị F0.
Ngoài việc tiêm chủng cho học sinh, sinh viên, trong đó có trẻ từ 5-11 tuổi thì cần thực hiện tối đa giải pháp 5K. Tuy nhiên, tuỳ theo các khối lớp mà yêu cầu học sinh đeo khẩu trang. Học sinh bé không nhất thiết yêu cầu các em phải đeo khẩu trang, vì ảnh hưởng đến đường thở. Cần mạnh dạn cho học sinh đến trường; đồng thời phối hợp giữa gia đình, học sinh với y tế địa phương, nhà trường. Bị nhiễm lớp nào xử lý lớp đó. Không lạm dụng đánh giá F1 và thực hiện cách ly theo quy định.
PGS.TS Trần Đắc Phu còn cho hay, hiện, cơ quan chuyên môn đang đề xuất, F0 không triệu chứng có thể dạy học trực tuyến. Đặc biệt, cần đẩy mạnh truyền thông để các bà mẹ, phụ huynh không lo lắng trước đại dịch và yên tâm khi cho con trở lại trường học…
Theo: https://nongnghiep.vn/