Nguyễn Kim Quyền sinh ra và lớn lên ở Kinh Môn, Hải Dương, một vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ. Từ nhỏ, Quyền đã thấu hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ và những người nông dân chân lấm tay bùn và mơ ước lớn lên sẽ đi học kỹ thuật để có thể sáng chế ra các loại máy móc nhằm nâng cao năng suất và giải phóng sức lao động của nông dân. Và thế là ước mơ cũng đến, năm 1996, Quyền thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với số điểm khá cao, anh vào học khóa đầu tiên chuyên ngành Cơ khí Bảo quản chế biến, thuộc Khoa Cơ – Điện. Trong suốt 5 năm học, Quyền đều là sinh viên xuất sắc, là Lớp trưởng của lớp Cơ khí Bảo quản chế biến K41 và là cán bộ Liên chi đoàn Khoa Cơ – Điện. Những năm cuối khóa, Quyền vừa học ở trường, vừa theo học lớp tiếng Nhật và lớp đào tạo kỹ sư thiết kế trên máy tính (CAD Ideas) do Công ty Nissan Nhật Bản mở dành cho sinh viên các trường ĐH khối kỹ thuật nhằm tạo nguồn kỹ sư thiết kế cho hãng.
Năm 2001 sau khi ra trường, Quyền tạm gác lại giấc mơ cơ khí hóa nông nghiệp trước sự hấp dẫn về khoa học công nghệ của đất nước mặt trời mọc, anh trúng tuyển đợt đầu tuyển dụng của Công ty Thiết kế ô tô Nissan và được đưa sang Nhật Bản làm việc ngay sau đó. Được đào tạo chuyên sâu về thiết kế thân vỏ xe hơi, anh đã có 12 năm kinh nghiệm làm việc tại Tập đoàn Nissan, đã tham gia thiết kế 5 mẫu xe thương mại nổi tiếng toàn cầu là Tida, Teana, Skyline, Navara và Titan. Là kỹ sư trưởng thành ở một nước công nghiệp tiên tiến, anh ý thức sâu sắc vấn đề ô nhiễm khí thải động cơ và sự cần thiết phải bảo vệ môi trường, anh chủ động chia tay Nissan để đầu quân tham gia Dự án thiết kế máy xúc chạy bằng điện tại hãng Hitachi và làm việc ở đó trong thời gian hơn 2 năm.
Thế rồi trong lúc kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, số phận lại đưa Quyền trở lại với nghề mà anh theo học đại học, anh trở thành kỹ sư nghiên cứu chính tại Viện nghiên cứu Máy nông nghiệp (NARO) thuộc Bộ Nông nghiệp Nhật Bản. Với kinh nghiệm nhiều năm thiết kế xe hơi và máy xây dựng, anh đã đóng góp rất nhiều trong các dự án thiết kế máy thu hoạch và máy kéo chạy điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Thông thạo tiếng Nhật, có tố chất và tư duy tốt, chuyên môn giỏi và nhất là nhờ có thái độ làm việc mang phong cách công nghiệp hiện đại, Nguyễn Kim Quyền nhận được lời mời làm việc và cộng tác từ nhiều công ty lớn. Ở Nhật Bản, ai cũng biết đến Công ty Metran và ông Chủ tịch Trần Ngọc Phúc, nhà sáng chế nổi tiếng về các loại máy thở xâm lấn và không xâm lấn nhỏ gọn, cơ động dùng trong y tế. Đã từng được Nhật Hoàng nhiều lần đến thăm công ty và tặng thưởng Huân chương Mặt trời mọc về những đóng góp to lớn cho ngành y tế. Cảm phục trước triết lý đầy nhân văn của người sáng lập và đứng đầu tập đoàn Metran là luôn coi trọng chất lượng sản phẩm, coi trọng tính mạng con người, trước khi nói đến lợi nhuận của công ty. Luôn tự tin với nền tảng của mình là kỹ sư cơ khí nông nghiệp, cộng với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác thiết kế máy tại các tập đoàn lớn, tháng 1/2017, Nguyễn Kim Quyền đã chính thức đầu quân cho tập đoàn Metran của ông Việt kiều yêu nước. Bằng năng lực chuyên môn của mình, anh nhanh chóng có được sự tin tưởng tuyệt đối của chủ tịch tập đoàn và cùng ông bắt tay thành lập công ty mới, Công ty MAGOS, chuyên thiết kế chế tạo các loại máy hô hấp theo công nghệ mới. Hiện, anh là Kỹ sư trưởng, Giám đốc dự án và là người chịu trách nhiệm thiết kế chính máy thở dùng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD và covid-19. Anh được toàn quyền tuyển chọn ê kip làm việc riêng cho mình. Thời gian này, Quyền rất bận rộn và thiếu thời gian, hầu như ngày nào anh cũng phải làm việc tới khuya. Anh cho biết, công ty đang tập trung cải tiến và điều chỉnh thiết kế máy thở cho phù hợp để kịp chuyển giao công nghệ cho Việt Nam chế tạo với qui mô 2000-4000 máy. Anh coi đó là hành động góp phần đẩy lùi dịch covid-19 ở Việt Nam quê hương mình.
Với thông tin mà chúng tôi có được, có thể kể ra đây một vài thành tích Nguyễn Kim Quyền đã đạt được:
· Năm 2002, đoạt Giải Nhất cuộc thi “Thiết kế dầm chịu lực bền nhất” do công ty Nissan tổ chức dành cho các kỹ sư trẻ Nhật Bản và Việt Nam.
· Năm 2013, được công ty Nissan khen thưởng về thành tích “Xử lý thành công lỗi gãy hỏng hệ thống lái của xe Navara” trước khi cho sản xuất hàng loạt.
· Năm 2015, được cấp Bản quyền sáng chế thiết bị rửa sạch máy nông nghiệp sau khi canh tác.
· Năm 2016, xây dựng Tool tự động thiết kế tính toán dao động của hệ dây điện trên xe hơi, góp phần rút ngắn thời gian thiết kế từ 8h xuống chỉ còn 1h.
· Từ năm 2017 đến nay, trong lĩnh vực thiết kế máy y khoa và máy chế biến thực phẩm, anh đã mạnh dạn áp dụng phương pháp lắp ghép LEGO, theo quan điểm thiết kế phá cách, áp dụng vật liệu và công nghệ mới để thiết kế nhiều mẫu máy mới. Kết quả cho ra những máy có kích thước và trọng lượng giảm 50%, trong khi tính năng kỹ thuật vẫn giữ nguyên như các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Đối với khởi nghiệp cá nhân, mấy năm gần đây, do nhu cầu thị trường và một phần cũng muốn tăng thêm thu nhập để theo đuổi đam mê sáng chế của mình, vợ chồng anh Quyền đã cùng bạn bè thành lập thêm Công ty VietnamFood, chuyên chế biến và phân phối các loại thực phẩm truyền thống Việt Nam. Với vai trò là CEO của Công ty VietnamFood, anh luôn trăn trở tìm cách thiết kế, chế tạo máy và xây dựng qui trình chế biến các loại thực phẩm để phù hợp với nguyên vật liệu, thời tiết, độ ẩm của Nhật Bản, vừa giữ nguyên hương vị truyền thống, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ cộng đồng người Việt đông đảo ở Nhật Bản. Đây vốn là sở trường và thế mạnh của vợ chồng anh với chuyên môn cơ khí bảo quản chế biến nông sản, thực phẩm.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản biết đến Nguyễn Kim Quyền không chỉ bởi anh là một kỹ sư tâm huyết với nghề, một doanh nhân người Việt thành công mà còn bởi anh là một người chu đáo, tốt tính, biết chia sẻ và sống có trách nhiệm với cộng đồng. Anh luôn tích cực tham gia các hội thảo, giao lưu văn hóa và khoa học công nghệ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp tại Nhật Bản. Mới đây, vào tháng 10/2019, anh là một trong 5 diễn giả khách mời tham gia Hội thảo “Khởi nghiệp nên bắt đầu từ Tâm hay Trí” được đồng tổ chức tại Tokyo bởi Hiệp hội các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ), Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) và Vingroup in Japan. Hội thảo thu hút hàng trăm đại biểu trẻ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tại Hội thảo, Nguyễn Kim Quyền đã có bài thuyết trình vô cùng độc đáo về ý tưởng áp dụng phương pháp LEGO để giải quyết các bài toán giúp các doanh nghiệp mới dễ dàng suy nghĩ và ứng dụng đổi mới sáng tạo.
Với chủ đề “Made in Vietnam – cơ hội và thách thức”, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ nhất tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế JASSO, Tokyo vào tháng 11 năm 2019 do VANJ, VPJ và VYSA (Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật bản) phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản. Tại diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản với sự tham gia của hàng nghìn người, kỹ sư Nguyễn Kim Quyền đã phát biểu tham luận về chủ đề Ứng dụng công nghệ và vật liệu mới trong nghiên cứu thiết kế chế tạo máy thở để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), một sản phẩm kỳ vọng sẽ giúp ích cho nhiều người trên thế giới. Đây là sản phẩm chủ lực của công ty Magos mà anh là người thiết kế chính.
Tại Vietnam Summit in Japan 2019, diễn giả Nguyễn Kim Quyền đã chia sẻ bí quyết thành danh tại Nhật Bản rằng anh luôn tâm niệm triết lý đổi mới sáng tạo là “chiến thắng chính bản thân mình bằng cách vượt lên miệng giếng thoát khỏi vùng an toàn”. Qua đó có thể hiểu được, không có con đường nào đến vinh quang mà không phải vượt qua nhiều chông gai. Chất nhân văn cũng rất sâu đậm trong con người trí thức doanh nhân trẻ, anh nói: “chúng tôi học được ở người Nhật Bản nhiều công nghệ tiên tiến, nhưng trước hết là ở sự tử tế, ở cách họ luôn coi trọng khách hàng sau đó mới nghĩ đến lợi nhuận của công ty. Chúng tôi luôn theo đuổi phương châm cởi mở, sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng, mong giúp cho xã hội được tốt hơn”.
Chính vì tâm huyết và những thành công trên đất nước Nhật Bản, trí thức trẻ Nguyễn Kim Quyền rất nhiều lần được báo đài trong hệ thống truyền thông của Việt nam và Nhật Bản viết bài, đưa tin, làm phóng sự truyền hình (ví dụ VTV1, VTV4, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo điện tử Vietnamnet, Tạp chí Giao thông vận tải, Báo điện tử Dân trí, Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống…). Tuy nhiên, anh luôn khiêm tốn và kiệm lời khi nói về những thành công của bản thân mình.
Nói thêm về tình cảm của Nguyễn Kim Quyền đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cái nôi ban đầu trong sự nghiệp của anh. Quyền luôn nhớ những kỷ niệm thời sinh viên, đặc biệt biết ơn các thầy cô giáo và Nhà trường đã trang bị kiến thức cơ bản và hình thành nhân cách để anh có được những thành công như ngày hôm nay. Anh luôn tự hào mình là kỹ sư cơ khí nông nghiệp, là cựu sinh viên Khoa Cơ – Điện, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, một trường đại học trọng điểm hàng đầu trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Anh cho rằng, trường có chương trình đào tạo tiên tiến, vừa đủ rộng, vừa đủ sâu, đáp ứng tốt thị trường lao động, kể cả thị trường khắt khe như Nhật Bản. Tất nhiên đó chỉ là bệ phóng, còn thành công của mỗi người không thể tách rời những nỗ lực các nhân và quá trình tự đào tạo sau khi ra trường.
Quyền thường nói vui là luôn biết ơn trường Nông nghiệp vì không những cho anh sự nghiệp mà còn cho anh một gia đình hạnh phúc với người vợ đồng nghiệp giỏi giang và hai con ngoan ngoãn học giỏi. Quyền và gia đình luôn dành sự chu đáo, trân trọng cho thầy cô giáo cũ, bạn bè và các em sinh viên lớp sau, khi họ qua công tác, làm việc hay du lịch tại Nhật Bản. Vợ chồng anh chủ động thiết kế, tổ chức các Hội thảo chuyên môn, các cuộc thăm và hợp tác làm việc giữa Khoa Cơ – Điện và Viện nghiên cứu Máy nông nghiệp Nhật Bản. Anh còn đáp tàu Shinkansen đi hàng trăm cây số để gặp lại thầy giáo cũ từ trường sang công tác, hay tận tình mời đón mọi người đến chơi nhà, cũng đủ cho thấy vợ chồng anh sống rất tình nghĩa. Đặc biệt anh luôn sẵn lòng giúp đỡ các bạn sinh viên khóa sau của trường sang Nhật Bản làm việc. Đến nay, trong cộng đồng trí thức, kỹ sư người Việt ở Nhật Bản có rất đông cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, họ luôn hướng về trường, có người còn mang cả hàng chục kilogam thiết bị đo lường về tặng cho phòng thí nghiệm của Khoa. Điều đó chứng tỏ Học viện luôn chú trọng đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân có đủ cả đức lẫn tài.
Quá trình phấn đấu của kỹ sư Nguyễn Kim Quyền, từ một sinh viên cơ khí nông nghiệp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành một trí thức Việt kiều tâm huyết ở Nhật Bản, một nhà sáng chế tiêu biểu trong lĩnh vực thiết kế xe hơi, máy nông nghiệp và máy y khoa, chăm sóc sức khỏe con người, là rất đáng khâm phục. Anh vừa là niềm tự hào của Học viện, vừa là tấm gương sáng để các bạn sinh viên khóa sau noi theo. Chúng tôi chúc cho Nguyễn Kim Quyền tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.
Tháng 8 năm 2021
TS. Hàn Trung Dũng (GV Khoa Cơ Điện)