Đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ cơ giới trong nông nghiệp, ngoài chính sách thúc đẩy cơ giới hóa, cần hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, sử dụng máy nông nghiệp.
Sử dụng máy nông cụ còn hạn chế
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc cơ giới hóa trong nông nghiệp hiện nay chủ yếu tập trung trong các khâu làm đất, tưới tiêu phục vụ sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, đạt 80% đến 90%. Các khâu khác như gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế là 40% đến 50%. Còn lại các cây trồng cạn, cây công nghiệp khác, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa rất thấp.
Theo PGS, TS Chu Văn Thiện, nguyên Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, khâu gieo trồng nói là cơ giới hóa 40% đến 50% nhưng thực chất, người nông dân mới đang sử dụng các dụng cụ sạ hàng kéo tay. Khâu chăm sóc cũng chủ yếu sử dụng các máy phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ đeo vai… ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người nông dân. Chưa kể, các cơ sở sản xuất thiết bị máy nông nghiệp đều có quy mô nhỏ, sản lượng thấp, quy trình sản xuất chưa hiện đại, thiếu chuyên môn hóa, chưa đầu tư kỹ lưỡng vào khâu nghiên cứu phát triển kỹ thuật.
Sản phẩm máy nông nghiệp, máy gặt đập liên hợp chế tạo, trong nước chủ yếu là các loại máy có động cơ và công suất nhỏ. Những sản phẩm có nhu cầu cao như máy cấy lúa, máy gặt đập liên hợp, máy cày đất, các loại máy thu hoạch… chủ yếu vẫn là máy ngoại nhập, cho nên việc cung cấp các linh phụ kiện cung ứng cho ngành cơ khí chế tạo máy gặp không ít khó khăn.
Để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg (thay thế Quyết định 63), tiếp đến là Quyết định số 68/2013/QĐ -TTg thay thế Quyết định 63 và 65, bổ sung thêm các hạng mục được hỗ trợ, thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp trên cả hai lĩnh vực: công nghiệp chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, trang bị phục vụ sản xuất, không phân biệt máy chế tạo trong nước hay nhập khẩu. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của ngành cơ khí mới đạt 32,58%; nhập siêu của ngành cơ khí lớn hơn 10 tỷ USD/năm, trong đó giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất (năm 2006 là 6,6 tỷ USD, năm 2012 là 16,04 tỷ USD).
Đầu tư cho cơ khí nông nghiệp
Để ngành chế tạo máy nông nghiệp phát triển, rất cần nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực cơ khí chế tạo. Quyết định 68 đã căn bản gỡ được các nút thắt về chính sách, đáp ứng được mong mỏi của nông dân, doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ về cơ khí trong sản xuất nông nghiệp. Còn để cạnh tranh với máy nông nghiệp nhập khẩu, theo TS Hà Đức Thái (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ thì sự liên kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp cũng là một khâu rất quan trọng.
Ông Nguyễn Đức Bản, Chủ tịch Công ty TNHH Máy nông nghiệp và Khuyến nông Hà Nội (HAMCO) cho biết, công ty đã chủ động hợp tác với Khoa Cơ điện (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để nghiên cứu, chế tạo và nhận chuyển giao 40 mô hình cơ giới hóa đồng bộ khâu cấy lúa bằng máy tại 33 tỉnh, thành phố trên cả nước; tám mô hình cơ giới hóa trồng ngô bằng máy gieo hạt kết hợp bón phân tại sáu tỉnh, thành phố; một mô hình chế biến sản phẩm chè chùm ngây. Tính đến thời điểm hiện tại, các thiết bị nhận chuyển giao đều mang tính thực tiễn và ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, đem lại nguồn lợi cho công ty.
Không chỉ HAMCO thành công trong liên kết nghiên cứu chuyển giao công nghệ, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu Tiến Linh cũng phát huy thế mạnh trong hợp tác với Khoa Cơ điện (Học viện Nông nghiệp), nghiên cứu, tư vấn thiết kế, chế tạo các mẫu máy làm đất cỡ nhỏ, máy cấy đẩy tay đa năng. Qua hoạt động trên đồng ruộng cho thấy, các sản phẩm này hoàn toàn hiệu quả, phù hợp với tập quán canh tác của nông dân miền bắc. Từ mô hình liên kết của HAMCO, hay Tiến Linh cho thấy, đã và đang có sự chủ động trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở chế tạo cơ khí, nhằm tăng sự hiện diện của máy nông nghiệp trong hoạt động sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động, gia tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.
Bên cạnh sự hợp tác của doanh nghiệp, các viện nghiên cứu trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo máy nông nghiệp, thị trường máy nông nghiệp trong nước còn xuất hiện những sáng chế của nông dân. Ông Phạm Văn Hát, ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), là người mới học hết lớp 7, nhưng từ năm 2012 đến nay ông đã sáng chế ra được khoảng 30 máy nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Điển hình là sản phẩm rô-bốt gieo hạt, củ tự động, ông bán tại thị trường trong nước với giá khoảng 30 đến 40 triệu đồng/máy, trong khi sản phẩm có cùng chức năng, nhập khẩu từ nước ngoài bán hàng trăm triệu đồng/ máy. Hiện cơ sở chế tạo máy cơ khí của ông thuê gần mười công nhân, lợi nhuận hằng năm khoảng trên dưới một tỷ đồng.
Thị trường máy nông cụ còn đón nhận sự thành công của ông Phùng Tiến Chiến, Giám đốc Công ty Cơ khí điện Hải Dương. Ông Chiến đã chế tạo máy bơm hướng trục đứng cột nước thấp kiểu HĐ 3700-1,5 có khả năng hút nước ở mức thấp mà máy bơm cũ hiện nay không thể hoạt động được. Máy bơm mới có chi phí lắp đặt thấp, khoảng 20 đến 30% chi phí xây dựng nhà trạm của máy bơm truyền thống, tiết kiệm điện năng khoảng 30 đến 40% so với máy bơm truyền thống. Những thành công trong nghiên cứu, ứng dụng máy nông cụ của cá nhân, doanh nghiệp đã góp phần gia tăng giá trị nông sản, từng bước đưa nông sản Việt Nam hướng ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít nút thắt, trong đó có điều kiện cấp bằng sáng chế. Ông Phạm Văn Hát chia sẻ, cá nhân ông muốn cấp bằng sáng chế, nhưng với điều kiện người sáng chế phải có những bản vẽ kỹ thuật, lập trình đồ họa 3D… trong khi trình độ lớp 7 của ông không thể thực hiện được. Nhu cầu cấp bằng sáng chế và nguồn vốn mở rộng đầu tư, nghiên cứu khoa học là những nhu cầu có thật trong hoạt động sản xuất máy nông nghiệp hiện nay. Có làm được như vậy mới khuyến khích, tạo động lực cho những “kỹ sư chân đất” tham gia chế tạo những chiếc máy chuyên dùng với tính năng tiện ích, phù hợp với túi tiền và trình độ sử dụng của nông dân Việt Nam.
Tác giả bài viết: VINH SƠN và CHU THIỆN – Báo Nhân dân
Nguồn tin: www.nhandan.com.vn