Trường Đại học Nông Lâm, tiền thân của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày nay, được thành lập ngày 12/10/1956 theo Nghị định số 53/NL-QT-NĐ của Bộ Nông Lâm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Trong suốt hơn 60 năm xây dựng và phát triển, có một sự kiện đáng nhớ mà không ít các thế hệ thầy và trò của Học viện được chứng kiến hoặc nghe kể lại đó là lần đến thăm Học viện của Bác Hồ.
Ngày 24 tháng 5 năm 1959, Học viện Nông Lâm(1) có vinh dự lớn được đón Bác Hồ về thăm Học viện tại cơ sở Văn Điển. Cùng đi với Bác có Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Nghiêm Xuân Yêm. Bác đi thăm từ nơi ở, nhà ăn, nhà trẻ, nhà vệ sinh đến chỗ học, phòng thực tập, trại thực tập thí nghiệm của sinh viên.
Sau đó, Bác nói chuyện với giáo viên, công nhân viên và sinh viên trong hội trường nhà lá. Lời nói giản dị, thân tình, ấm áp của Bác đã truyền ngọn lửa đam mê học tập, nghiên cứu khoa học và khát khao cống hiến của Thày và Trò Học viện. Bác khen ngợi sự tiến bộ về học tập, nghiên cứu, lao động, về tư tưởng của Nhà trường. Bác khẳng định: “Bây giờ chỉ có hai con đường, phải chọn lấy một. Nước ta là nước thuộc địa nửa phong kiến, nếu tiến sang con đường Tư bản chủ nghĩa, kết quả lại bị áp bức bóc lột, cho nên ta chỉ có một con đường Xã hội chủ nghĩa chứ không có con đường nào khác. Phải nhận rằng con đường XHCN không phải là dễ, có nhiều khó khăn, gian khổ nhưng rất vẻ vang”. Bác nhắc, làm thí nghiệm phải bền chí, khiêm tốn, thua keo này ta bày keo khác. Qua nhiều thất bại mới đến thành công, như cuộc kháng chiến của chúng ta vậy. Bác căn dặn sinh viên phải yêu ngành nghề, phải đoàn kết. Bác dạy phải học chuyên môn nhưng cũng phải học chính trị. Bác nói: “Tiến lên CNXH là con người tiến lên, cho nên chúng ta phải công tác, phải lao động chứ không phải CNXH trên trời rơi xuống. Một người XHCN phải có tư tưởng đạo đứcXHCN có đầu óc XHCN mới có con người XHCN, có con người XHCN nước mình mới tiến lên CNXH được”.
Cuối cùng Bác động viên mọi người phải cố gắng để góp phần xây dựng miền Bắc, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà và góp phần bảo vệ hoà binh thế giới.
Kết thúc bài nói chuyện, Bác hỏi: Các cháu có làm được không? Có quyết tâm không?
Mọi người đồng thanh trả lời: Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!
Sau đó, Bác đã ghi vào trang đầu cuốn Sổ vàng Truyền thống của Học viện lời dạy:
“Đoàn kết chặt chẽ
Cố gắng không ngừng
Để tiến bộ mãi ”
Lời dạy ấy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của Học viện. Để từ một cơ sở đào tạo có 3 khoa và 27 giáo viên, đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về khoa học kỹ thuật phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế cả nước. Hơn 60 năm qua, Học viện đã đào tạo cho đất nước trên 80.000 Kỹ sư, Bác sỹ thú y, cử nhân; hơn 9000 thạc sĩ và hơn 500 Tiến sĩ; tạo ra hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi mới, hàng chục mẫu máy, xây dựng hàng trăm quy trình, công nghệ kỹ thuật tiến bộ, mô hình tổ chức và quản lý sản xuất, phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phấn đấu liên tục, vượt qua mọi khó khăn, bám sát nhiệm vụ cách mạng của đất nước, không ngừng vận động, đổi mới và phát triển, tự chủ và hội nhập để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực và hiệu quả cho công cuộc xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và xây dựng nông thôn mới của Việt Nam, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ghi chú:
(1): Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 1958 – 1963