GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất giải pháp khắc phục thực trạng học sinh không mặn mà lĩnh vực nông nghiệp.
Học sinh tìm hiểu về các ngành đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023.
Hiện nay, lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30% lực lượng lao động cả nước. Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cho lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp đang là nhu cầu bức thiết.
GS.TS.ĐBQH Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam có những trao đổi trên Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh vấn đề này.
Chú trọng học đi đôi với hành
– Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Vậy Học viện xúc tiến nhiệm vụ này như thế nào – thưa GS?
– Hiện nay, Học viện nông nghiệp Việt Nam có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như là nghiên cứu khoa học về các địa phương, doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng tôi quan tâm chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Một trong những mối quan tâm của chúng tôi là, làm sao để thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao cho các các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Học viện chú trọng đến các giải pháp và hành động cụ thể. Theo đó, chúng tôi nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, đổi mới cơ chế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về để đào tạo giảng dạy. Cùng với đó, quan tâm, chú trọng gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, để để sinh viên học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam được nghiên cứu khoa học.
Chúng tôi, xác định học đi đôi với hành, gắn kết quá trình đào tạo với các doanh nghiệp để sinh viên được thực hành, thực tập và trải nghiệm ngay tại các công ty, doanh nghiệp ở các địa phương.
GS.TS.ĐBQH Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam
– Vậy các hoạt động về khởi nghiệp được Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai như thế nào cho sinh viên?
– Trong quá trình đào tạo, ngoài các kiến thức chuyên môn, sinh viên sẽ được học những kiến thức tổng hợp, kỹ năng mềm như: kỹ năng hội nhập, kỹ năng làm việc nhóm và rất nhiều kiến thức khác như: tin học, ngoại ngữ. Chúng tôi mong muốn, sinh viên sẽ có tinh thần khởi nghiệp.
Trước đây, Học viện đã làm tốt phong trào khởi nghiệp và nâng cao chất lượng, đổi mới các phương pháp giáo dục, đào tạo trong trường đại học. Chúng tôi thấy rằng, cần trang bị sớm cho học sinh những kiến thức này ngay từ khi các em học học phổ thông. Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn có sự đồng hành của chính quyền địa phương, của lãnh đạo các tỉnh, các Sở, ban ngành và hiệu trưởng các trường phổ thông.
Tiếp theo đó, chúng tôi sẽ tổ chức chương trình hành trình khởi nghiệp để học sinh tham gia và phát động các cuộc thi về khởi nghiệp. Qua đó, với những em có những ý tưởng tốt về khởi nghiệp, chúng tôi sẽ trao giải. Những ý tưởng tốt sẽ tiếp tục được chúng tôi nuôi dưỡng, cấp những học bổng để các em có thể triển khai vào thực tiễn.
Một tiết học ngành Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Gỡ khó trong đào tạo nguồn nhân lực
– Vấn đề chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn được Học viện triển khai thực hiện như thế nào – thưa GS?
– Có thể khẳng định, thế mạnh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong 67 năm hình thành và phát triển, Học viện đã có những đóng góp to lớn với các địa phương.
Hầu như các tỉnh, thành đều có dấu chân của các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, rất nhiều tiến bộ khoa học công nghệ của Học viện đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn.
Tuy nhiên, trong cái bối cảnh mới, chúng tôi nhận thức rằng, cần thúc đẩy tiềm năng, năng lực, nghiên cứu khoa học và công nghệ. Làm thế nào để chuyển giao được các nguồn này vào thực tiễn, để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã được thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ.
Trên tinh thần đó, chúng tôi đã chủ trương nâng cấp các phòng thí nghiệm. Hiện nay, Học viện có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm trong các lĩnh vực như: thú y, chăn nuôi, phân bón, công nghệ kỹ thuật, môi trường…
Ngoài ra còn có Bệnh viện cây trồng, Bệnh viện thú y. Tất cả những thí nghiệm của bệnh viện này đều hướng tới phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Nghĩa là gắn với thực tiễn một cách sâu sắc.
Trong nghiên cứu khoa học, chúng tôi xây dựng thành quy trình tiến bộ. Theo đó, Học viện đã huy động các nhà khoa học, tích cực nghiên cứu và làm việc với địa phương, doanh nghiệp để nhận biết được nhu cầu thực tế.
Dựa trên đặt hàng của các địa phương và doanh nghiệp, các nhà khoa học về nghiên cứu. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ chuyển giao. Chúng tôi tôn trọng sự gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và địa phương; để các dịch vụ đó được chuyển giao đến đúng địa chỉ.
– Vài năm gần đây, nhiều học sinh không mặn mà đăng ký xét tuyển một số ngành thuộc lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp. GS có đề xuất giải pháp gì để cải thiện thực trạng này?
– Đây cũng là vấn đề đã được Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành thảo luận rất nhiều. Theo tôi, cần trang bị kiến thức cho học sinh hiểu, để các em nhìn nhận đúng hơn về các ngành nghề nông – lâm – ngư nghiệp.
Tức là, chúng ta áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, làm thế nào để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, môi trường và các yếu tố ảnh hưởng khác, để chúng ta chủ động được hơn.
Ngoài ra, cần có cơ chế đặt hàng đào tạo với các trường, chính sách học bổng cho người học và cần có hỗ trợ thêm cho ngành nông – lâm – ngư nghiệp.
Xin cảm ơn GS!
“Tại nhiều hội nghị, hội thảo chúng tôi có mời các trường THPT, lãnh đạo tỉnh, các Sở… để cùng bàn thảo về chủ đề: làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương” –GS.TS Nguyễn Thị Lan. |
Theo https://giaoducthoidai.vn