Ngày 9/2, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết tuyển sinh 43 ngành với tổng chỉ tiêu 5.860 trong năm 2023, tăng 30 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong đó, nhóm ngành Quản trị kinh doanh, Thương mại và Du lịch tuyển nhiều nhất – 1.680 sinh viên, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật số 600, Kinh tế và Quản lý 560.
43 ngành đào tạo năm 2023 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Bốn phương thức xét tuyển được giữ ổn định như năm 2022, nhưng một số tiêu chí và điều kiện đăng ký thay đổi.
Ở phương thức xét học bạ THPT, trường xét tuyển những thí sinh đạt 21-23 điểm ở tổ hợp ba môn theo kết quả lớp 11 hoặc 12, thay vì từ 20 điểm trở lên như năm ngoái. Riêng nhóm ngành Sư phạm Công nghệ, thí sinh phải đạt học lực giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.
Điểm xét tuyển của phương thức này là tổng điểm ba môn và điểm ưu tiên (nếu có). Thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm ngành, tối đa hai nguyện vọng. Nếu đạt học lực giỏi ít nhất hai học kỳ THPT, các em được ưu tiên xét tuyển thẳng.
Phương thức thứ hai là xét tuyển kết hợp, áp dụng với ba nhóm thí sinh: đạt loại khá năm lớp 11 hoặc 12, IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương; xét học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp kết quả cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo 2023. Trong đó, nếu thuộc hai nhóm sau, thí sinh tham gia xét tuyển phải đạt 21-23 điểm (với tổng ba môn theo học bạ) và 18-20 điểm (theo điểm thi tốt nghiệp THPT); điểm quy đổi kết quả cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo 2023 tối đa là 2 điểm.
Ngoài hai phương thức trên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tòa nhà hành chính của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: VNUA
Trường nhận hồ sơ xét tuyển xét học bạ, xét tuyển kết hợp từ 4/4 đến 25/5 (đợt 1) và từ 6/6 đến 25/7 (đợt 2). Kết quả được thông báo muộn nhất vào 31/5 và 31/7. Hai phương thức còn lại thực hiện theo lịch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm ngoái, Học viện Nông nghiệp Việt Nam lấy điểm chuẩn từ 15 đến 23 theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngành Khoa học đất lấy điểm cao nhất, tiếp đó là Logistics và quản lý chuỗi cung ứng với 21 điểm. Các ngành lấy 15 điểm gồm nhóm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Quản lý đất đai và Bất động sản, Thuỷ sản, Xã hội học, còn lại phổ biến mức 17-18.