Hội thảo “Ứng dụng tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp – nông nghiệp thông minh”

Có một thực tế cho thấy, việc trồng trọt theo phương pháp truyền thống phụ thuộc quá nhiều vào điều  kiện môi trường và khí hậu. Điều này tạo ra bài toán khó cho việc tạo ra các sản phẩm rau sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm của xã hội. Khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, việc ứng dụng tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp giảm thiểu sức lao động của con người mà còn giúp cho việc điều khiển tạo ra các điều kiện môi trường, thời tiết thuận lợi với mỗi loại cây trồng. Nhờ đó, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày càng cao và ngày càng đáp ứng được nhu cầu về rau an toàn của người dân.
Trước thực trạng đó, khoa Cơ – Điện phối hợp với nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong nông nghiệp công nghệ cao tổ chức Hội thảo “Ứng dụng tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp – nông nghiệp thông minh” vào ngày 24/12/2022 tại phòng Chuyên đề của Khoa Cơ Điện.
Đến dự Hội thảo, phía khách mời có TS. Hà Mạnh Hùng, TS. Lê Xuân Hải – Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Phạm Văn Nam, Nguyễn Văn Thành – Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; đại diện khoa Cơ Điện có TS. Nguyễn Xuân Trường – Trưởng khoa; đại diện nhóm NCM có TS. Nguyễn Thái Học – Trưởng nhóm cùng các thầy cô trong khoa, các thành viên của nhóm NCM và đông đảo các em sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

 

Sau khi TS. Nguyễn Thái Học khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Trường đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh vai trò của việc ứng dụng tự động hóa vào việc điều khiển tự động các quá trình trong trồng trọt, hạn chế sâu bệnh và thuốc bảo vệ thực vật lên cây rau là rất quan trọng. Các nhà nghiên cứu cần đi sâu vào thực tiễn để hiểu nhu cầu cần tự động hóa trong các bước của quá trình trồng trọt. TS. Nguyễn Xuân Trường chúc Hội thảo thành công và chúc các nhà nghiên cứu sẽ học hỏi và tìm thêm được các hướng nghiên cứu mới.
 

 

Có 4 bài tham luận đã được trình bày tại Hội thảo: 1. ThS. Nguyễn Thị Huyền Thanh trình bày “Tác động của việc bổ sung ánh sáng Led đến sự đậu quả của giống dưa leo F1 VA.118 trồng trong nhà lưới”; 2. TS. Hà Mạnh Hùng trình bày “Hệ thống AI hỗ trợ nhận dạng đa hành động, đa đối tượng ứng dụng cho xe tự hành”; 3. ThS. Phạm Thị Lan Hương trình bày “Tổng quan về một số phương pháp nghiên cứu nhận diện độ chín của trái cây bằng trí tuệ nhân tạo”; 4. TS. Phạm Văn Nam, Nguyễn Văn Thành trình bày “Xây dựng hệ thống phân loại cà chua bằng kỹ thuật xử lý ảnh và mạng Nơ-ron trí tuệ nhân tạo”.

Các bài tham luận đều nhận được sự quan tâm, trao đổi sôi nổi giữa tác giả với các nhà nghiên cứu và tạo được sự hứng khởi trong nghiên cứu của các sinh viên. Nhìn chung, các bài tham luận cho thấy nhu cầu cần bố trí tự động điều khiển thông minh trong từng quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Việc nhận diện, phân biệt được càng nhiều điểm liên tục theo thời gian khi thiết bị ghi hình dịch chuyển sẽ cho kết luận về tình trạng hiện tại của cây trồng càng chính xác. Tính riêng với việc nhận diện độ chín của trái cây bằng trí tuệ nhân tạo cũng có nhiều phương pháp đã được thực hiện, mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng cũng như chỉ ra được độ chính xác và mức độ áp dụng của mỗi phương pháp.
Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thái Học nhận định những nghiên cứu trong các bài tham luận có tính ứng dụng thực tiễn cao trong lĩnh vực tự động hóa sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có những nghiên cứu rộng hơn với những đối tượng cây trồng khác của nông nghiệp và các tham số tác động ảnh hưởng khác đến quá trình sinh trưởng của cây để việc tự động hóa đạt trong canh tác cây trồng đạt được hiệu quả cao hơn.