Ngày 13/05/2024, khoa Cơ – Điện cùng các nhóm nghiên cứu: nhóm NCXS Công nghệ, Máy và Thiết bị; nhóm NCM Máy và Thiết bị nông nghiệp; nhóm NCM Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Một số kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp giai đoạn 2022-2024”
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam – 18 tháng 5 và tháng Khoa học công nghệ VNUA 2024 nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu và các ứng dụng tiềm năng của các đề tài trong lĩnh vực cơ điện trong nông nghiệp.
Tham dự hội thảo, về phía khoa Cơ – Điện có TS. Nguyễn Xuân Trường – Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa chủ trì Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiên – Phó Trưởng Khoa, TS. Nguyễn Chung Thông – Phó Trưởng Khoa. Về phía các nhóm Nghiên cứu, có PGS. TS. Nguyễn Xuân Thiết – Trưởng nhóm NCXS Công nghệ, Máy và Thiết bị; TS. Nguyễn Thái Học – Trưởng nhóm NCM Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp CNC. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự góp mặt của đông đảo các cán bộ trong Khoa, thành viên của các nhóm nghiên cứu, các em sinh viên và nghiên cứu sinh trong Khoa quan tâm đến dự.
Tại phần mở đầu của Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Trường, Bí thư Chi bộ, Trưởng khoa Cơ – Điện đã có phần phát biểu khai mạc, gửi lời chúc mừng các nhà khoa học, các thầy, cô giáo trong Khoa đã nỗ lực hết mình, đạt nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam – 18 tháng 5. Trải qua 2 năm tập trung nghiên cứu và phát triển theo định hướng về lĩnh vực cơ điện trong nông nghiệp, Hội thảo là dịp để tổng kết và nhìn lại quá trình và những thành tựu nghiên cứu, cống hiến của cán bộ và sinh viên toàn Khoa.
Tiếp nối chương trình, TS. Nguyễn Thị Hiên – Phó Trưởng Khoa đã tổng kết các hoạt động NCKH của cán bộ và sinh viên trong Khoa giai đoạn 2022 – 2024 và định hướng hoạt động các năm tiếp theo của khoa Cơ – Điện.
Phần kế tiếp, Hội thảo chuyển sang phần tham luận và báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học có giá trị của giảng viên.
Mở đầu với báo cáo của ThS. Nguyễn Thị Huyền Thanh với chủ đề “Tổng quan về ứng dụng công nghệ hồng ngoại trong giám sát tình trạng hoạt động của các thiết bị điện từ xa”. Hiện nay, trên các thiết bị điện hay trên lưới điện luôn có các thiết bị bảo vệ đi kèm nhằm bảo vệ thiết bị điện hay lưới điện khi có sự cố. Qua nghiên cứu và tìm hiểu, nhóm nghiên cứu nhận thấy, mặc dù có thiết bị bảo vệ nhưng khi sự cố xảy ra, vẫn có 2 vấn đề: Thứ nhất, khách hàng bị ngừng cung cấp điện đột ngột do sự cố không được báo trước; Thứ hai, việc tìm ra nguyên nhân gây sự cố sẽ khó khăn do phải tính đến nhiều tình huống và thời gian cấp điện trở lại sẽ bị kéo dài. Trong trường hợp đó, nếu sử dụng công nghệ hồng ngoại để giám sát hoạt động của các thiết bị từ xa thì chúng ta sẽ hoàn toàn khắc phục được hai vấn đề trên. Do công nghệ này liên tục tự động gửi hình ảnh nhiệt của thiết bị, người vận hành có thể quan sát, theo dõi, dự đoán khả năng xảy ra sự cố trong tương lai và đưa ra phương án khuyến cáo người vận hành lập kế hoạch cho việc phòng tránh sự cố có thể xảy ra. Hơn nữa, nhìn vào hình ảnh nhiệt của thiết bị, người vận hành cũng biết được nguyên nhân gây cháy, nổ do quá nhiệt đến từ đâu, từ dây dẫn, mối nối hay từ các thiết bị phát nhiệt ở xung quanh, …. Theo TS. Nguyễn Xuân Trường, chủ đề này nếu được nghiên cứu và áp dụng trên thực tế sẽ rất hữu ích với người vận hành lưới điện và khách hàng sử dụng điện, sử dụng thiết bị điện. ThS. Đào Xuân Tiến cho rằng, cần phải cân nhắc về kinh tế khi sử dụng hệ thống này so với một số loại thiết bị bảo vệ mới vì chúng có có cổng truyền thông, có khả năng cung cấp các thông số về lưới điện đến người vận hành.
Phần chia sẻ kết quả nghiên cứu tiếp theo được trình bày bởi ThS. Đặng Thị Thúy Huyền với chủ đề “Ứng dụng công nghệ IoT giám sát môi trường trong mô hình trồng rau – nuôi cá (Aquaponics) NFT”. Trong mô hình aquaponics NFT, các thông số môi trường nước (pH, DO, nhiệt độ, mực nước) và môi trường không khí (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng) được giám sát từ xa, 24/24h thông qua giao diện tạo bằng ứng dụng Blynk trên điện thoại thông minh hoặc máy tính, khi các thông số môi trường nằm ngoài ngưỡng cho phép, hệ thống sẽ gửi tin nhắn cảnh báo tới điện thoại. Bên cạnh đó, hệ thống còn có khả năng lưu trữ dữ liệu đo được trong khoảng thời gian 06 tháng để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, đánh giá hoạt động của mô hình aquaponics.
Cuối cùng, ThS. Lương Thị Minh Châu trình bày về “Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình nghiền, ép lá chè tươi đến hiệu suất thu hồi và chất lượng dịch chè ép trong công nghệ sản xuất bột chè xanh hoà tan”. Khi nghiền chè, lượng dịch chè, hàm lượng chất hòa tan, cafein, polyphenol tổng số và catechin tổng số thay đổi theo kích thước lỗ của đĩa nghiền. Lỗ đĩa nghiền có kích thước càng nhỏ thì hàm lượng các chỉ tiêu tăng theo. Tuy nhiên, sử dụng đĩa nghiền có kích thước lỗ nhỏ hơn 6mm thì các chỉ số này giảm, việc nghiền bắt đầu gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu chè bị đóng bánh, vón cục trong buồng nghiền, gây quá tải cho máy nghiền.
Khi ép chè, lượng dịch chè, hàm lượng chất hòa tan, cafein, polyphenol tổng số và catechin tổng số tăng khi tăng áp suất nén ép. Trong khoảng từ 33,16 N/cm2 đến 132,64 N/cm2, các chỉ số này tăng với tốc độ rất nhanh, sau đó có giảm dần. Khi áp suất lớn hơn 600 N/cm2, các chỉ số này thay đổi rất ít, tăng không đáng kể.
Việc thay đổi kích thước lỗ đĩa nghiền cũng như thay đổi áp suất ép hầu như không ảnh hưởng đến tính chất cảm quan của chè nghiền.
Quá trình nghiên cứu đã xác định được các thông số chính trong công đoạn nghiền – ép thích hợp để chiết xuất dịch chè. Đó là lựa chọn được kích thước lỗ đĩa nghiền là 6mm tương ứng với độ nhỏ: 0,838, áp suất ép phù hợp nhất là 331,61 N/cm2.
Sử dụng màng lọc ở kích thước 125µm có thể áp dụng trong việc lọc dịch chè vì cho phép giữ lại chất hòa tan, hàm lượng các chất cafein, polyphenol và catechin tổng số ở mức độ cho phép tương đương với phương pháp xác định chất hòa tan và có độ trong dịch lọc vừa phải thích hợp cho nước chè.
Sau mỗi phần trình bày, các thầy cô tham dự Hội thảo sôi nổi trao đổi ý kiến thảo luận, đưa ra nhiều nhận định nhằm làm rõ hơn các kết quả nghiên cứu, khơi gợi định hướng phát triển sản phẩm và các hướng nghiên cứu triển vọng tiếp theo.
Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp.