Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan khuyên sinh viên đích đến của khởi nghiệp không phải là giải thưởng mà là thị trường. Kích hoạt khởi nghiệp trong trường học để hướng đến mục tiêu sinh viên trở thành người làm chủ, từ ông chủ nhỏ, rồi ông chủ lớn, thành những Jack Ma.
Đó là những chia sẻ tâm huyết từ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại hội nghị về chủ đề: Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên nông nghiệp, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 15.6, tại Vĩnh Phúc.
Điểm nhấn ấn tượng của hội nghị này là phần giới thiệu 6 dự án khởi nghiệp của sinh viên các trường ngành nông nghiệp. Trong đó, nhóm sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam với sản phẩm thức ăn chăn nuôi làm với nguyên liệu phụ phẩm từ vỏ dứa, vỏ chanh leo, phụ phẩm từ các nhà máy chế biến rau quả để ép thành cám viên.
Đặc biệt, dự án này không chỉ góp phần gia tăng giá trị từ phụ phẩm nông nghiệp mà góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, đây cũng là mô hình ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Ngoài ra, nhóm sinh viên Trường đại học Lâm nghiệp mang đến hội nghị sản phẩm độc đáo là cà phê Trầm Việt với sự kết hợp nguyên liệu giữa cà phê arabica với trầm hương. Theo nhóm tác giả, sản phẩm đã ra thị trường, đang được tiêu thụ tại một số quán cà phê ở Hà Nội, được khách hàng đánh giá cao
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nếu trong khuôn khổ cuộc thi, tất cả các dự án đều xứng đáng giành giải cao nhất, nhưng khởi nghiệp là sự khởi đầu, chưa có kết thúc. Nếu các trường học phát động khởi nghiệp để làm phong trào thì phải tính làm sao để sản phẩm ra thị trường, sinh viên khởi nghiệp phải thành ông chủ, doanh nhân.
Chia sẻ với sinh viên, ông Lê Minh Hoan cho rằng trường học là môi trường khởi nghiệp thuận lợi nhất. Vì ở đó là thị trường có sẵn, nếu mỗi sinh viên chỉ mua một sản phẩm khởi nghiệp thôi thì “đã là một thị trường rồi”. Khi sinh viên khi dùng sản phẩm khởi nghiệp, sẽ góp ý cho bạn bè mình trước khi đưa sản phẩm ra một thị trường rộng lớn, khó khăn, cạnh tranh hơn nhiều so với trường học.
“Khởi nghiệp phải là một phần của môn học trong nhà trường chứ không phải nằm riêng. Đích đến cuối cùng của khởi nghiệp là thay đổi toàn bộ hoạt động giáo dục trong trường, từ lý thuyết sang thực hành, có thực hành thì tốt hơn”, ông Hoan nói.