ST4I – Nơi đam mê bùng cháy

ST4I (Smart Technology for Industry) hay tên gọi đầy đủ là Công Ty TNHH ST4I với tất cả sự trân trọng, chúng em xin được tri ân, cảm ơn những sự quan tâm, nhiệt tình chỉ bảo của toàn thể các cán bộ nhân viên của xưởng trong suốt thời gian thực tập của chúng em vừa qua.

Đầu tiên, em xin thay mặt các bạn sinh viên tham gia đợt thực tập cảm ơn Lãnh đạo khoa Cơ – Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo điều kiện, liên kết để chúng em có cơ hội thực tập tại đây, và chúng em cũng xin cảm ơn Công ty đã tạo điều kiện hết mức có thể để chúng em có thể tự do, thoải mái học tập, tìm tòi khám phá. Thật sự 7 tuần thực tập tại đây đã cho em và các bạn cơ hội để tiếp cận những thứ mà chúng em chưa từng học, tiếp xúc với những thứ chúng em chưa từng thấy và làm việc với những người tuy mới gặp lần đầu nhưng vẫn luôn tận tâm giúp đỡ, chỉ bảo trong suốt quá trình chúng em học tập và làm việc tại đây.

Với ngành học Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, tại xưởng chúng em được định hướng từ đầu là sẽ tìm hiểu cả về phần cơ (cơ khí) và phần điện (điện – điện tử, điều khiển). Tùy theo năng lực và sở thích, chúng em sẽ đi sâu vào từng phần cụ thể và sẽ học hỏi chéo nhau trong quá trình trao đổi, thảo luận.

Về phần điện, chúng em được học hỏi từ anh Quân, anh Thắng, anh Nhất, anh Tiến… về cách lập trình PLC Mittsubishi, cách đi dây tủ điện sao cho đẹp, hợp lí. Được tận tay tháo dỡ, đi lại dây để hoàn thiện tủ điều khiển, được thiết kế lại bảng điện, lựa chọn thêm bớt thiết bị cho phù hợp. Quả thực đây là một cơ hội không thể tuyệt vời hơn để chúng em học tập, phát triển. Sai ở đâu thì có người hướng dẫn ở đó, có làm, có va vấp, có đúc rút kinh nghiệm.

Tủ điện không đạt (ảnh trái) và tủ điện đã được nhóm hoàn thiện (ảnh phải)
Thực tập lập trình điều khiển (ảnh trái) và lập trình điều khiển máy bắn vít (ảnh phải)
Lập trình HMI (ảnh trái) và sản phẩm hoàn thiện (bản demo máy bắt vít) (ảnh phải)

Về phần cơ, chúng em được làm việc với anh Kiên, xưởng trưởng, cũng là người nhiều kinh nghiệm nhất tại đây về mảng cơ khí và gia công chính xác. Được hướng dẫn làm quen từ những chiếc ốc con vít, hay là những chiếc ê-cu. Được học về những mũi khoan, mũi taro, học khoan sao cho đúng, chọn mũi taro sao cho phù hợp,… được học về thủy lực, xy-lanh cũng như học về cách thiết kế chi tiết, đọc bản vẽ,… Dường như tất cả những gì liên quan đến cơ khí, anh Kiên đều dành ra 2 buổi mỗi tuần để chỉ dạy chúng em mặc dù công việc của anh cũng rất bận rộn. Anh cũng tạo điều kiện để chúng em thực hành bằng việc vát mép các chi tiết gia công (nguội) – một nguyên công trong quá trình sản xuất.

Hàng ngày vào lúc 8h sáng, khoảng thời gian căng thẳng nhất nhưng cũng là lúc nhiều năng lượng nhất, chúng em đón chào ngày mới và những nhiệm vụ mới. Với sự hướng dẫn của các anh, chúng em cũng học được khả năng teamwork, phối hợp với nhau để hoàn thành một công việc. Cũng có những xích mích, bất đồng, cũng có những mâu thuẫn nhỏ khi làm việc nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, mấy đứa lại nhìn nhau cười khoái chí khi thấy sản phẩm của nhóm mình được hoàn thiện.

Đến giờ nghỉ trưa, chúng em cũng được tự do, tự lo, là có thể đi ra quán để ăn, cũng có thể gọi cơm về ăn tại xưởng. Ôi, em nhớ những suất cơm tự chọn ấy, nhớ cả nét mặt ngao ngán đằng sau gương mặt tươi cười của cô chủ quán khi thấy chúng em đến ăn cơm. Sinh viên mà, đứa nào cũng sức ăn như trâu như hổ. Đứa ăn ít thì cũng xới thêm 1 lần cơm, đứa nhiều thì xới tận 3 lần, mà mỗi lần xin thêm cơm thì bà chủ lại mất miếng đậu, miếng thịt. Những đứa “thuồng luồng” như chúng em đi ăn thì quả thật quán cũng chỉ đủ tiền vốn chứ cũng chẳng lãi là bao. Ăn xong đứa nào đứa nấy cũng mệt nhừ vì chịu thêm cả cái nắng nóng oi bức của của mùa hè. Nhưng cũng rất vui vì kì này chúng em được làm việc với anh xưởng trưởng rất tâm lí, để chúng em nghỉ trưa được ngon hơn thì ngay tuần đầu tiên chúng em đến, anh đã lắp một chiếc điều hòa trên phòng ngủ để chúng em tránh đi cái oi, cái nóng ấy. Nhờ thế mà chúng em vẫn đảm bảo được thể lực cho một buổi chiều năng động.

Trải qua thời gian thực tập 7 tuần tại đây, có những kiến thức, kinh nghiệm được tiếp thu, có nhiều bài học chúng em phải rút ra, về thói quen xấu của bản thân hay những việc làm không đáng có trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp, là một thái độ nghiêm túc, chỉn chu cần thiết khi làm việc. Quả thực, đây là một môi trường khác xa với khi chúng em còn ngồi trên ghế nhà trường, hay nói cách khác là sau đợt thực tập này, chúng em đã trưởng thành hơn rất nhiều, về lối sống, về tư duy hay về cả cách ứng xử trong một vài tình huống. Và để có những sự tiến bộ đó, chúng em không thể không nhắc đến một người anh cả, một người thuộc thế hệ đi trước, cũng là một cựu sinh viên Nhà trường, anh Phùng Kim Phong – Giám đốc Công ty, người đã uốn nắn, chỉ bảo chúng em ngay khi thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự chểnh mảng. Là người đứng đầu Công ty, nhưng cũng là một người anh, cũng từng là một sinh viên nên anh rất hiểu tâm lí mấy đứa chúng em. Anh không quở trách quá nặng về lỗi sai của chúng em, thay vào đó anh chỉ nhắc nhở, cùng với đó là truyền động lực cho chúng em qua câu chuyện của chính bản thân anh. Mỗi đứa chúng em đều nghe rất chăm chú. Và khi mà sự ăn năn hối lỗi vẫn còn đang chảy ở từng mao mạch trong cơ thể chúng em, cũng là khi sự nhiệt huyết với ngành học và khát khao cống hiến, thể hiện đang bùng lên trong đầu mỗi đứa, lúc này, anh Phong liền giao cho chúng em nhiệm vụ phải làm và nghiên cứu trong thời gian tới. Anh viết từng nhiệm vụ, công việc ra giấy như thể vẽ lại chính con đường mà hồi xưa anh từng đi vậy. Một bản hướng dẫn rất chi tiết, một bản hướng dẫn đã giải phóng chúng em khỏi sự bối rối, mông lung về ngành học. Khi mà chúng ta học một thứ nhưng phải tìm hiểu quá nhiều thứ liên quan đến nó thì cũng giống như kiểu ta đi đến một đoạn đường mà quá nhiều ngã rẽ vậy, những đứa sinh viên chúng em như lạc lõng và rồi cũng mất đi ý chí tìm tòi học hỏi của những ngày đầu. Nhưng sau lần được gặp mặt và nhận sự chỉ bảo của anh Phong, chúng em đã tìm lại được bản thân mình và định hình được lối đi cho bản thân. Không biết phải diễn tả bao nhiêu lần sự cảm kích thì mới đủ nhưng thật sự, chúng em phải cảm ơn anh rất nhiều, một con người vô cùng tâm huyết, tận tâm với thế hệ sau.

Một lần nữa, em xin thay mặt các bạn được gửi lời cảm ơn chân thành tới khoa Cơ – Điện và Học viện vì đã sắp xếp cho chúng em được đến học tập và làm việc với ST4I. Cùng với đó là lời cảm ơn sâu sắc tới anh Kiên – Xưởng trưởng và cả sếp Phong tâm huyết, ân cần của chúng em. Những ngày tháng gắn bó với ST4I sẽ luôn là những trang kỉ niệm đẹp trong mỗi chúng em. Dù cho sau này tất cả có đi theo đúng ngành mình đã học hay không thì chúng em vẫn sẽ mãi nhớ về ST4I, nhớ về đợt thực tập hè vui vẻ, bổ ích biết bao; đã làm chúng em phát triển bản thân hơn như thế nào. Chúng em cũng tự dặn với lòng rằng, dù sau này tất cả anh em có làm nghề gì đi chăng nữa thì cũng luôn giữ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết như anh Phong để truyền cho thế hệ sau động lực học tập, truyền cho thế hệ sau niềm cảm hứng với ngành học của mình vì thật sự, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử là một ngành học rất tuyệt vời!

Hoàng Văn Mạnh

Sinh viên lớp K66CNCDTB

Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử