Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học năm 2023

Thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ hàng năm, khoa Cơ – Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả cho các đề tài NCKH cấp Học viện vào ngày 20/12/2023.

Trong năm 2023, khoa Cơ – Điện có 03 đề tài cấp Học viện do các giảng viên trẻ chủ trì thuộc các lĩnh vực chuyên môn về cơ khí và điện, tự động hóa. Trong buổi nghiệm thu cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài cùng nhóm nghiên cứu đã trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu đạt được. Các câu hỏi từ Hội đồng nhằm trao đổi, thảo luận, làm rõ kết quả nghiên cứu cũng như các đóng góp mới của đề tài, giúp hoàn thiện đề tài về ý nghĩa khoa học và khả năng áp dụng thực tiễn.

  1. Đề tài: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống trồng rau – nuôi cá (aquaponics) ứng dụng công nghệ IoT, mã đề tài: T2023-04-15 do ThS. Đặng Thị Thúy Huyền      chủ trì. Đề tài đã nghiên cứu tổng quan về hệ thống aquaponics và mạng kết nối vạn vật – IoT, các ứng dụng của IoT trong thực tế nói chung và trong nông nghiệp nói riêng. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo một mô hình hệ thống aquaponics trong đó ứng dụng công nghệ IoT để giám sát môi trường bể nuôi cá (độ pH, nồng độ DO, mực nước) và môi trường trồng rau (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, điều khiển tự động các thiết bị trong hệ thống: bơm sục khí, bơm tuần hoàn. Các tín hiệu từ cảm biến sẽ được gửi tới giao diện giám sát từ xa thông qua mạng internet, từ đó, người quản lý có thể kiểm tra các thông số, tình trạng thiết bị hoặc điều khiển bật/tắt các thiết bị trong mô hình thông qua giao diện giám sát trên máy tính hoặc điện thoại thông minh. Mô hình hệ thống aquaponics ứng dụng IoT thiết kế được có thể thực hiện với quy mô nhỏ, sử dụng cho các hộ gia đình.
  2. Đề tài: Nghiên cứu, thiết kế mô hình hệ thống giám sát phụ tải điện cho các tòa nhà để thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện DSM, mã đề tài: T2023-04-17 do ThS. Đào Xuân Tiến chủ trì. Đề tài đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công mô hình hệ thống giám sát, điều khiển phụ tải điện từ xa. Sản phẩm này có thể áp dụng trong việc quản lý các thông số phụ tải điện như điện năng tiêu thụ, tự động tính chi phí tiền điện ở bất kỳ thời điểm nào từ đó giúp cho người sử dụng có chiến lược sử dụng điện tối ưu.
  3. Đề tài: Phân tích động lực học của hạt phân bón vô cơ sử dụng đĩa quay ly tâm, mã đề tài: T2023-04-16 do ThS. Nguyễn Thị Hạnh Nguyên chủ trì. Đề tài tập trung nghiên cứu mô phỏng đường đi của hạt phân từ lúc rời khỏi đĩa quay cho đến khi tiếp đất trong máy rải phân ly tâm từ đó biết được quãng đường di chuyển của hạt phụ thuộc như thế nào vào các đặc tính vật lý của nó. Những kết quả thu được từ nghiên cứu này là nền tảng, là cơ sở cho việc tối ưu hóa thiết kế bộ phận bón phân. Từ đó góp phần phát triển công nghệ để bón phân bằng máy trên đồng ruộng một cách hiệu quả và chính xác, đảm bảo phân tán đều phân bón, giúp nâng cao năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Trên cơ sở những ý kiến trao đổi của các thành viên Hội đồng và phần trả lời của các chủ nhiệm đề tài, Chủ tịch hội đồng nghiệm thu đã tổng kết những kết quả chính mà báo cáo đã đạt được.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều nhất trí thông qua các Đề tài, Hội đồng nhất trí đánh giá 03 Đề tài xếp loại Khá.

Sau thời gian làm việc tích cực, đánh giá nghiêm túc, khách quan, buổi nghiệm thu kết thúc thành công tốt đẹp./.

Một số hình ảnh buổi nghiệm thu đề tài:

ThS. Đào Xuân Tiến thuyết trình về đề tài trước Hội đồng

ThS. Đặng Thị Thúy Huyền thuyết trình trong buổi nghiệm thu

ThS. Nguyễn Thị Hạnh Nguyên thuyết trình về đề tài trước Hội đồng