Seminar “Tự động hóa trong nông nghiệp”

Tiếp tục chuỗi tổng kết nghiên cứu khoa học năm 2023, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã có buổi seminar khoa học “Tự động hóa trong nông nghiệp” vào ngày 29/12/2023 tại phòng Hội thảo, khoa Cơ – Điện. Buổi seminar có sự tham dự của đông đảo các thầy cô trong khoa và các em sinh viên ngành Tự động hóa và Kỹ thuật điện quan tâm đến dự. Trong buổi seminar này, có 3 chủ đề được trình bày bởi các thầy cô là thành viên của nhóm, đó là: 1. “Ứng dụng công nghệ ánh sáng trong việc phòng tránh và bắt côn trùng gây hại trong nông nghiệp” – ThS. Nguyễn Thị Huyền Thanh; 2. “Overview for Microgrids” (Một số tìm hiểu về lưới điện siêu nhỏ) – ThS. Phạm Thị Lan Hương; 3. “Thiết kế hệ thống quản lý điện năng từ xa” – ThS. Đào Xuân Tiến.

Trong nông nghiệp, công tác bắt côn trùng gây hại là một trong những công tác hàng đầu. Hiện nay, công việc này đang dựa vào một số phương pháp, đó là dùng bẫy dính Pheromore, bẫy ánh sáng, dùng côn trùng thiên địch và dùng thuốc hóa học. Trong đó, bẫy ánh sáng được coi là phương pháp an toàn, thân thiện với môi trường và con người nhất. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này chưa đem lại hiệu quả cao do sử dụng loại nguồn sáng có công suất, cường độ sáng, bước sóng ánh sáng phát ra chưa hiệu quả do việc nghiên cứu chúng còn chưa nhiều. Việc ứng dụng công nghệ IoT vào nghiên cứu hệ thống chiếu sáng bẫy côn trùng tự động điều khiển về các thông số của nguồn sáng, thời gian chiếu sáng, pin năng lượng mặt trời là cần thiết. Đây được coi là hướng nghiên cứu có vai trò quan trọng trong nông nghiệp. Chủ đề cũng nhấn mạnh đến vấn đề ô nhiễm ánh sáng, đặc biệt là với côn trùng có lợi cần chú ý khi thiết kế bộ đèn này. Tất cả những điều trên được ThS. Nguyễn Thị Huyền Thanh trình bày trong chủ đề “Ứng dụng công nghệ ánh sáng trong việc phòng tránh và bắt côn trùng gây hại trong nông nghiệp”.

Tiếp theo, ThS. Phạm Thị Lan Hương trình bày chủ đề “Overview for Microgrids” (Một số tìm hiểu về lưới điện siêu nhỏ). Thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo (NLTT) là một trong những xu hướng thiết yếu trong quy hoạch phát triển bền vững trên toàn cầu. Các nguồn NLTT mang lại rất nhiều những lợi ích từ kinh tế, kỹ thuật, đến môi trường.  Tuy nhiên công suất phát của những nguồn NLTT có thể dao động với biên độ rất lớn, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sự ổn định và độ tin cậy trong những hệ thống điện với tỷ trọng cao các nguồn NLTT. Microgrid – lưới điện siêu nhỏ (LĐSN) là một giải pháp. LĐSN có thể được định nghĩa là một nhóm các nguồn phân tán và phụ tải trong một ranh giới rõ ràng về mặt điện đối với lưới điện, và vận hành như một thực thể độc lập có thể điều khiển được đối với lưới điện. LĐSN có thể được vận hành ở chế độ nối lưới hoặc chế độ tách lưới. Bày trình bày giới thiệu về LĐSN, cấu trúc của LĐSN, một số mô hình LĐSN trên thế giới, một số xu hướng và chính sách trên thế giới.

Chủ đề “Thiết kế hệ thống quản lý điện năng từ xa” do ThS. Đào Xuân Tiến trình bày lại đem đến cho buổi seminar khoa học hướng nhìn mới về công tác quản lý phụ tải từ xa có kết hợp công nghệ IoT. Hệ thống quản lý phụ tải từ xa bằng Smart phone do ThS. Đào Xuân Tiến thiết kế cho chúng ta có thể quan sát, đo đạc, lấy số liệu về dòng, áp, công suất, tần số, cos j đến từng phụ tải thụ điện. Điều này đóng vai trò quan trọng trong mỗi đơn vị như trường học, tòa nhà, công ty,… nhằm tiết kiệm điện và có phương án cấp điện tối ưu. Ý kiến chung của các thành viên tham gia buổi seminar đều cho rằng tác giả nên phát triển, mở rộng bộ nhớ để thu thập được nhiều điểm phụ tải và đưa hệ thống này vào ứng dụng trong khu vực có số lượng phụ tải lớn.

Sau một thời gian trao đổi sôi nổi, TS. Nguyễn Thái Học, trưởng nhóm NCM đã có lời phát biểu cảm ơn sự đóng góp của các thành viên, nghiên cứu viên trong nhóm đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ hiện đại trong tự động hóa trong nông nghiệp trong năm 2023. Từ những chủ đề nghiên cứu này có thể gợi mở đưa ra được các định hướng, chiến lược phát triển phù hợp cho nhóm nhằm sớm gặt hái nhiều sản phẩm với nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước, đăng ký và thực hiện được nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học cũng như chuyển giao được nhiều sản phẩm khoa học khác trong thời gian tới.