Học viện Nông nghiệp Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH

Từ năm 2016 đến năm 2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam ký kết gần 1000 thỏa thuận hợp mang lại nguồn lực quan trọng để phát triển.

Cán bộ, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu khoa học.

Thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm

Là cơ sở giáo dục đại học đào tạo về lĩnh vực Nông nghiệp có bề dầy truyền thống lịch sử gần 70 năm xây dựng và phát triển; Học viện Nông nghiệp Việt Nam có đội ngũ cựu sinh viên rất đông đảo đang công tác trên hầu hết các tỉnh thành, các công ty doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc cho hay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có trên 300 tiến sỹ; gần 100 PGS, GS; hơn 100 nhà giáo Nhân dân, nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động; hơn 500 thạc sỹ đa số được đào tạo nước ngoài nên có mối quan hệ hợp tác quốc tế tốt. Học viện có trên 25.000 sinh viên.

Học viện cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Bộ ngành, Trung ương và địa phương quan tâm. Đây chính là lợi thế, cơ hội mà Học viện đã phát huy để mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế.

Theo GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Lan, mỗi cán bộ của Học viện từ lãnh đạo đến giảng viên, người lao động luôn lấy phương châm liên kết, hợp tác là sức mạnh, chất lượng là sự sống còn, NCKH là sức sống; nghiên cứu và đào tạo phải gắn với thị trường và thực tiễn.

Học viện không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH, chất lượng dịch vụ, quảng bá hình ảnh của Học viện đến quốc tế, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội. “Chúng tôi xây dựng văn hóa công sở của Học viện luôn cầu thị, học hỏi, trân trọng các mối quan hệ hợp tác, các đối tác” – GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam viện dẫn, từ năm 2016 đến năm 2023, Học viện đã ký kết gần 1.000 thỏa thuận hợp tác các cấp bậc khác nhau. Đã trực tiếp hoặc gián tiếp mang lại nguồn lực quan trọng để Học viện phát triển như ngày hôm nay.

Các thỏa thuận hợp tác chủ yếu của Học viện là về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao KHCN và dịch vụ xã hội. Trong quá trình hợp tác, Học viện luôn xác định cùng đồng hành, chia sẻ với đối tác. Học viện cũng xác định trách nhiệm của mình là phục vụ cộng đồng, xã hội. Quan điểm hợp tác này đã giúp Học viện ngày càng có nhiều đối tác hợp tác và hợp tác bền vững hơn.

Trong các loại hợp tác, thì hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm được xem là thỏa thuận ở mức cao nhất và khó nhất. GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Lan cho biết, Học viện có đội ngũ nghiên cứu đông đảo.

GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Lan.

Nhiệm vụ của mỗi giảng viên là phải dành tối thiểu 50% thời gian để nghiên cứu, chuyển giao và làm dịch vụ xã hội. “Như tôi đã nói ở trên, Học viện coi NCKH là sức sống của trường đại học, chất lượng là sự sống còn, nghiên cứu phải gắn với thị trường, gắn với nhu cầu của thực tiễn” – GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Lan nhắc lại.

Do vậy, mỗi cán bộ giảng viên đều tích cực thực hiện đề tài nghiên cứu, suy nghĩ hướng nghiên cứu để có thể có được những sản phẩm thương mại hóa, có những quy trình công nghệ phục vụ sản xuất doanh nghiệp hoặc phải có những sản phẩm rất cụ thể.

Thành lập các nhóm nghiên cứu

Đặc biệt, từ khi Học viện thực hiện tự chủ đại học thì tinh thần khởi nghiệp đã lan tỏa rộng rãi đến cán bộ và sinh viên. Các cán bộ nghiên cứu đã chủ động tìm các doanh nghiệp, hợp tác xã để hợp tác, phối hợp nghiên cứu và bàn việc thực hiện thương mại hóa sản phẩm.

Khi thực tiễn có nhu cầu, thì Lãnh đạo Học viện cần nghiên cứu để có các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy, tạo điều kiện để nhà khoa học có thể phát triển được. Học viện đã dành nguồn kinh phí đáng kể để thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, nghiên cứu xuất sắc, tinh hoa.

Đồng thời, đầu tư cơ sở phòng ốc hiện đại để phục vụ nghiên cứu. Hiện, Học viện có các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO, phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3, Khu nuôi động vật, khu nuôi cấy mô…. để phân tích xét nghiệm lĩnh vực Thú y, môi trường, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, nông học và đã phân tích được trên 700 chỉ tiêu.

Hàng năm, hệ thống phòng thí nghiệm này đã ký kết thỏa thuận với nhiều doanh nghiệp để phân tích xét nghiệm, nghiên cứu, đánh giá thuốc, chất sát trùng, mẫu đất, thuốc bảo vệ thực vật, bệnh cây trồng…

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong phòng đọc.

GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Lan cho hay, một số sản phẩm nghiên cứu của Học viện như: sản phẩm về dược, mỹ phẩm, sản phẩm kháng thể dùng trong thú y, sản phẩm probiotic, sản phẩm thực phẩm chức năng, giống cây trồng, hoa cây cảnh, cây lá màu… đã được hợp tác cùng doanh nghiệp để nghiên cứu đánh giá thị trường và một số đã đăng ký thương mại hóa.

“Với hệ thống phòng thí nghiệm và đội ngũ nghiên cứu như hiện nay, trong thời gian tới chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều nhóm sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa hơn” – GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Lan bày tỏ.

Theo GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Lan, hiện còn vướng một số cơ chế cần Nhà nước tháo gỡ thì mới có thể thương mại hóa sản phẩm tốt hơn được. Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất tích cực gửi các ý kiến góp ý cho các chính sách, luật, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến KHCN, thương mại hóa sản phẩm, khuyến khích hợp tác với DN để khơi thông nguồn lực thúc đẩy KHCN đổi mới sáng tạo phát triển.

https://giaoducthoidai.vn/