Ngày 18/11/2019, tại Phòng Hội thảo khoa Cơ – Điện, khoa Cơ – Điện cùng hai nhóm nghiên cứu mạnh: Máy và Thiết bị nông nghiệp; Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong nông nghiệp đã phối hợp tổ chức thành công hội thảo khoa học: “Cơ điện nông nghiệp với sản xuất nông nghiệp thông minh”. Đến tham dự hội thảo về phía khoa Cơ – Điện có PGS.TS Lê Minh Lư, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa, các đại biểu, các nhà khoa học đến từ Khoa Cơ – Điện, Viện Cơ Điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ nông nghiệp Làng Gióng, Công ty TNHH JCT Việt Nam,… và các em sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong Khoa.
PGS.TS Lê Minh Lư phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lê Minh Lư, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa Cơ – Điện đã thay mặt Ban Chủ nhiệm Khoa đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà khoa học trong Khoa đã có nhiều thành tích trong công tác quản lý cũng như trong nghiên cứu khoa học trong thời gian qua và chúc mừng các nhà khoa học, các thầy, cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. TS. Nguyễn Thanh Hải đã tổng kết công tác nghiên cứu khoa học của Khoa trong năm học 2018-2019 đồng thời triển khai nhiều kế hoạch trong thời gian tới nhằm thúc đẩy sự phát triển về nghiên cứu khoa học cũng như đưa các kết quả nghiên cứu triển khai trong thực tiễn sản xuất. Theo báo cáo tổng kết của TS. Nguyễn Thanh Hải, trong năm học vừa qua Khoa đã đấu thầu thành công 01 nhiệm vụ hợp tác song phương với Nhật Bản, 01 đề tài cấp tỉnh, 02 đề tài cấp Học viện trọng điểm, 04 đề tài cấp Học viện, 01 đề tài do dự án Việt Bỉ tài trợ và nhiều hợp đồng chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học tới nhiều địa phương, công ty trong cả nước.
TS. Phạm Thị Hằng nhận phần thưởng nhà khoa học tiêu biểu trong năm
Trong khuôn khô hội nghị, ông Nguyễn Đình Cường, giám đốc công ty TNHH JCT Việt Nam cũng đã phát biểu cảm ơn Ban lãnh đạo Khoa, các Thầy, các Cô đã có công đào tạo ra nhiều kỹ sư tài năng đóng góp xây dựng đất nước trong nhiều ngành sản xuất cũng như sự phát triển của Công ty TNHH JCT Việt Nam. Trong không khí vui tươi, phấn khởi của ngày lễ hiến chương các nhà giáo, với cương vị là cựu sinh viên Khoa Cơ – Điện, ông Nguyễn Đình Cường đã kính tặng lẵng hoa chúc mừng và cảm ơn các Thầy các Cô. Đồng thời qua đây cũng mong muốn các Thầy các Cô nỗ lực nhiều hơn nữa để đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được công cuộc cách mạng 4.0 trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Cường chúc mừng các Thầy các Cô
Tiếp nối chương trình, TS. Phạm Đức Nghĩa đã trình bày các kết quả nghiên cứu trong luận văn tốt nghiệp sau thời gian học tập tại Úc. Nghiên cứu của TS. Phạm Đức Nghĩa về mặt thực nghiệm và lý thuyết đã điều tra những thay đổi phức tạp của chất lượng trái cây trong quá trình sấy đối lưu với sự hỗ trợ vi sóng một cách không liên tục. Mô hình toán học thể hiện mối tương quan giữa phương pháp sấy tiên tiến này và các thuộc tính chất lượng sản phẩm đã được thiết lập. Kết quả nghiên cứu có giá trị học thuật cũng như ứng dụng trong công nghiệp qua cung cấp kiến thức chuyên sâu về cơ chế thay đổi chất lượng sản phẩm trong quá trình sấy, đề xuất chế độ làm việc tối ưu và nâng cao hiệu quả quá trình.
TS. Phạm Đức Nghĩa báo cáo kết quả nghiên cứu
Tại hội thảo khoa học này, các đại biểu đã được nghe và thảo luận nhiều tham luận có giá trị về Cơ điện nông nghiệp với sản xuất nông nghiệp thông minh. Mở đầu phiên làm việc là tham luận “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp và chiến lược phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm” do PGS.TS Trần Như Khuyên trình bày. Nội dung tham luận đã cung cấp cho các đại biểu cái nhìn tổng quát từ việc hình thành phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội và thách thức, định hướng và giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm ở Việt Nam. Qua đây PGS.TS Trần Như Khuyên cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp. Nó thực sự là xu thế tất yếu nhằm tạo ra bước phát triển nhảy vọt về khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế trong ngành chế biến nông sản thực phẩm, góp phần đưa nền nông nghiệp nước ta trở thành nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập với nền nông nghiệp của các nước tiên tiến trên thế giới.
PGS.TS Trần Như Khuyên trình bày tham luận tại Hội thảo
Về phía nhóm nghiên cứu mạnh “Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong nông nghiệp” cũng đã có nhiều kết quả và đóng góp nhiều tham luận có giá trị trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Như tham luận “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phát hiện sớm sâu bệnh trên cây trồng” do TS. Nguyễn Thái Học trình bày. Hệ thống phát hiện sớm sâu bệnh trên cây trồng bằng công nghệ xử lý ảnh và thuật toán machine learning của nhóm đã cho kết quả ban đầu tương đối khả quan. Kết quả cho thấy hệ thống đã thành công trong việc phát hiện sớm một số loại sâu bệnh xuất hiện trên lá, đồng thời cũng định vị được khu vực bị sâu bệnh. Từ đó cảnh báo và đưa ra các chỉ dẫn hiệu quả để xử lý loại sâu bệnh này thông qua hệ thống tin nhắn SMS cho người quản lý. Kết quả bước đầu cho thấy hệ thống đã thực hiện được liên kết các thiết bị với nhau, chụp hình ảnh cây trồng, phân tích dữ liệu để xác định vùng bị sâu bệnh, truyền tín hiện và cảnh báo đến người trồng qua SMS. Hệ thống đã phần nào đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng 4.0 vào sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Thái Học trình bày tham luận tại hội thảo
Hay tham luận “Nghiên cứu phát triển thiết bị đo không dây giá thành thấp ứng dụng trong hệ thống tưới nông nghiệp” do ThS. Nguyễn Kim Dung trình bày. Kết quả nghiên cứu, chế tạo và khảo nghiệm một hệ thống giám sát không dây và điều khiển hoạt động của hệ thống tưới trong nông nghiệp. Nghiên cứu bước đầu cho kết quả tốt, phần mềm giám sát thân thiện với người dùng hướng tới đối tượng là người sản xuất nông nghiệp. Tiếp đó là tham luận “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm hệ thống điều khiển nhiệt tự động cho bộ phận gia nhiệt gián tiếp của máy sấy đa năng đảo chiều gió sử dụng phụ phẩm nông nghiệp” do ThS. Nguyễn Văn Điều trình bày.
ThS. Nguyễn Văn Điều trình bày tham luận tại hội thảo
Mặc dù thời gian của hội thảo không nhiều, tuy nhiên với tinh thần làm việc nghiêm túc, các đại biểu đã nghe và đóng góp trực tiếp cho từng tham luận. Những đóng góp quan trọng này giúp từng bước xây dựng và phát triển khoa học trong sản xuất nông nghiệp ngày một hiệu quả hơn. Hơn nữa Khoa Cơ – Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam với bề dày hơn 60 năm xây dựng và phát triển, trước những yêu cầu và thách thức của thời đại, đang nhanh chóng xây dựng chiến lược trong phát triển chương trình đào tạo đáp ứng đòi hỏi của cách mạng nông nghiệp 4.0. Nhiều ngành mới được mở ra đã đáp ứng được phần nào yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ công nghệ số. Ngoài ra, Học viện cũng đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn đa quốc gia để xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực 4.0, vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng mới của nguồn nhân lực này.