Việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phát triển mạnh và giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Vấn đề về rau sạch, hoa đẹp hiện nay đang là một vấn đề rất cấp thiết của xã hội. Cùng với sự tăng trưởng của xã hội, con người không chỉ thích “ăn ngon, mặc đẹp” mà còn phải đảm bảo vệ sinh, tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, trong khi mà nguồn cung thực phẩm về rau, hay các loại hoa chủ yếu là từ việc trồng trọt truyền thống và phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu thì việc đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng cao này dường như là một bài toán nan giải.
Nhằm hướng đến tăng cường trao đổi thông tin, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học về những vấn đề trên, Khoa Cơ – Điện cùng nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ và thiết bị trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phối hợp tổ chức buổi hội thảo khoa học online: “Công nghệ và thiết bị tự động hoá trong sản xuất rau, hoa chất lượng cao phục vụ đô thị”. Tham dự buổi hội thảo khoa học online còn có TS. Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng Khoa Cơ – Điện, TS. Ngô Trí Dương trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cùng các nhà khoa học gồm PGS.TS. Bùi Đăng Thảnh – Viện Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá, ThS. Đào Việt Hà – Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Nam Định, Ông Nguyễn Văn Trinh, Trung tâm nghiên cứu R&D, Công ty cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, TS. Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa – Cây cảnh, Viện nghiên cứu Rau quả, TS. Phạm Quang Dũng, Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS. Vũ Thanh Hải, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng Chi ủy, Ban Chủ nhiệm Khoa, Lãnh đạo các bộ môn, Xưởng và toàn thể cán bộ khoa Cơ – Điện. Đặc biệt, buổi hội thảo còn có các em sinh viên ngành Tự động hóa tham dự để học hỏi và tìm hiểu thêm thông tin về lĩnh vực Nông nghiệp thông minh.
Buổi hội thảo khoa học được tổ chức online qua Google Meet với sự tham gia của các giảng viên và các em sinh viên |
Mở đầu cho buổi hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Hải đã gửi lời cảm ơn tới các giảng viên và các đơn vị bên ngoài đã luôn đồng hành cùng Khoa Cơ – Điện để phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực còn nhiều nội dung cần khai thác, cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và thực tiễn. Đặc biệt cần đẩy mạnh hơn nữa các hợp tác về nghiên cứu khoa học và các ứng dụng vào thực tế giữa các đơn vị. Điều này nhằm phục vụ phát triển nền nông nghiệp của nước ta. Bên cạnh đó, việc thảo luận, đưa ra các ý kiến đóng góp trong buổi hội thảo cũng là tiền đề để các đơn vị tìm được tiếng nói chung, gắn kết hợp tác lâu dài nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thông minh hiện nay.
Mở đầu cho các chủ đề trong hội thảo, TS. Vũ Thanh Hải đã trình bày: “Tổng quan về ứng dụng công nghệ và thiết bị tự động hóa trong sản xuất rau, hoa chất lượng cao”. Thầy đã giới thiệu một số công nghệ điều tiết thông số môi trường ứng dụng trong nhà màng nhà lưới. Khí hậu các miền khác nhau nên việc sử dụng các công nghệ để điều tiết ánh sáng, nhiệt độ mỗi vùng là khác nhau. Thầy đã đưa ra một số ảnh hưởng của các thông số môi trường tới nhà màng nhà lưới và đưa ra một số ứng dụng công nghệ và thiết bị để kiểm soát chúng trong nhà màng, nhà lưới.
Chủ đề “Một số mô hình sản xuất hoa cây cảnh chất lượng cao tại Việt Nam” là chủ đề tiếp theo được TS. Nguyễn Văn Tiến chia sẻ. Qua chủ đề này, một bức tranh về thực trạng sản xuất rau hoa quả trong nhà lưới hiện nay đã được tiến sĩ chia sẻ. Hiện nay, các hệ thống sản xuất cây, hoa trong nhà lưới mới được áp dụng 25% còn sản xuất bên ngoài chiếm tới 75%. Đây là một trong các tồn tại mà các nhà khoa học có thể xem xét và đưa ra các phương án khắc phục giúp cho người trồng. Bên cạnh đó, cũng có một số giải pháp mà tiến sĩ đưa ra nhằm kết nối các thiết bị, công nghệ mới và người trồng cây.
Bên cạnh đó, còn có các chủ đề khác được các thầy cô giáo và các đơn vị hợp tác bên ngoài trình bày như: ThS. Đặng Thị Thuý Huyền với chủ đề “Tủ trồng rau thông minh phục vụ cho đô thị tại Việt Nam”, ThS. Ngô Quang Ước với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất cây rau ở môi trường nhà kính”, TS. Phạm Quang Dũng với chủ đề “Ứng dụng công nghệ Blockchain và IoT trong việc truy suất nguồn gốc nông sản.”, Ông Nguyễn Văn Trinh trình bày chủ đề “Phát biểu tham luận của Công ty cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông”, ThS Đào Việt Hà Phát biểu tham luận của Sở khoa học và Công nghệ Nam Định. PGS.TS Bùi Đăng Thảnh trình bày tham luận về nghiên cứu áp dụng thiết bị tự động hóa trong sản xuất phục vụ đô thị. Đây là các chủ đề nhằm giới thiệu về một số công nghệ và thiết bị tự động hoá trong thực tiễn mà các thầy cô và đơn vị đã thực hiện.
Thông qua buổi hội thảo khoa học, các giảng viên khoa Cơ – Điện đã có dịp trao đổi và ghi nhận nhiều thông tin thực tế từ các đơn vị bên ngoài. Hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều sự hợp tác hơn nữa giữa Khoa và các đơn vị bên ngoài.
Nguyễn Văn Điều
Công nghệ và Thiết bị trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao