Ngành Công thôn – Cơ hội việc làm

1. Đôi nét giới thiệu

“Công thôn”, tên gọi đầy đủ của ngành học là “Công nghiệp và công trình nông thôn”, được thành lập từ năm học 1992 -1993. Mục tiêu ban đầu của ngành học là tiếp cận nhanh, đáp ứng khẩn trương yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Trải qua gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ sinh viên của ngành “Công thôn” đã hoàn thành khóa học, có vị trí việc làm ổn định, phát triển tốt được chuyên môn và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cũng trong chặng đường dài đó, trước những đổi thay của đất nước và những yêu cầu mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nội dung chương trình đào tạo của ngành cũng thường xuyên được cập nhật, thay đổi sát với yêu cầu thực tế hơn. Đến nay, ngành “Công thôn” có hai chuyên ngành là chuyên ngành “Công trình” và “Kỹ thuật hạ tầng cơ sở”

2. Mục tiêu đào tạo của ngành

Trang bị cho người học các kiến thức chuyên sâu về thiết kế, thi công các công trình Dân dụng và Công nghiệp; thiết kế, thi công các mạng lưới hạ tầng kỹ thuật. Trang bị cho người học kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề. Sau khi tốt nghiệp, người kỹ sư có khả năng thiết kế, tổ chức, giám sát, kiểm soát và quản lý thi công và quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp, bao gồm các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao như nhà cao tầng, nhà xưởng, các hệ thống hạ tầng cơ sở ..

3. Cấu trúc chương trình đào tạo của ngành học hiện nay

Hiện nay ngành công thôn có hai chuyên ngành là chuyên ngành công trình và chuyên ngành Kỹ thuật hạ tầng cơ sở. Từ khung yêu cầu chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình được xây dựng bổ sung các học phần cho phù hợp với mục tiêu đặt ra của ngành học. Về tổng thể, chương trình đào tạo chuyên ngành ”Công thôn” xây dựng nhằm trang bị cho sinh viên các khối kiến thức và kỹ năng:

Khối kiến thức chung của ngành gồm:

+ Các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên:toán, vật lý…;

Khối kiến thức cơ sở ngành: vẽ xây dựng, sức bền vật liệu, cơ học lý thuyết, cơ học kết cấu, cơ học đất, vật liệu xây dựng, trắc địa, bê tông cốt thép….

Khối kiến thức chuyên ngành:

Chuyên ngành công trình: Quy hoạch nông thôn, Kiến trúc, Bê tông cốt thép, Tính toán thiết kế các công trình xây dựng (nhà bê tông cốt thép, nhà cao tầng, các công trình thép, động lực học công trình…), Kỹ thuật thi công, Tổ chức thi công, Thí nghiệm và kiểm định công trình…

+ Chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng cơ sở: Quy hoạch mạng lưới hạ tầng cơ sở (giao thông, điện, nước..); Thiết kế kỹ thuật mạng lưới hạ tầng; Kỹ thuật thi công và quản lý công trình…

Kỹ năng nghề và kỹ năng mềm:

Để phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng nghề của sinh viên, chương trình đặc biệt chú trọng đến các đồ án, các đợt thực hành môn học, các đợt thực tập kỹ thuật (kỹ thuật xây dựng công trình, kỹ thuật thi công và quản lý thi công…). Tham gia các khóa thực tập, kiến tập các sinh viên của ngành sẽ tiếp cận gần hơn với môi trường làm việc thực tế để từ đó có động lực hơn trong học tập, có kỹ năng làm việc tốt hơn.

4.  Cơ hội việc làm

Trước yêu cầu đổi mới của đất nước, nhu cầu nhân lực phục vụ trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp, giao thông và cầu đường đang ngày càng nhiều. Với những kiến thức, kỹ năng được trang bị trong trường các kỹ sư ngành Công thôn càng có nhiều cơ hội việc làm hơn. Tốt nghiệp ngành học, sinh viên có thể làm việc tại các công ty tư vấn, thiết kế và xây dựng (trong và ngoài nước), các cơ quan quản lý các cấp, các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực Kỹ thuật xây dựng công trình.