Ngày 30/6/2022, tại Phòng chuyên đề khoa Cơ-Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Học viện đề tài trọng điểm: “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phát hiện một số loại bệnh phổ biến trên cây dưa chuột”, mã số: T2019 – 05 – 05 TĐ do ThS. Ngô Quang Ước chủ trì.
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, GS. TS. Phan Xuân Minh, Khoa Điều khiển và tự động hóa – Đại học Điện lực nhận xét: Hiện nay, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng trở nên phổ biến. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu áp dụng công nghệ xử lý ảnh và trí tuệ nhân tạo để phát hiện sâu bệnh trên các cây trồng cụ thể và đưa ra cảnh báo cho nông dân. Tuy nhiên bộ dữ liệu phát hiện và nhận dạng một loại côn trùng, sâu bệnh cụ thể chưa thực sự lớn và đa nhiễu như trong môi trường canh tác thực sự; các nghiên cứu cũng đang tập trung nghiên cứu thuật toán phân loại bệnh là chính chưa đưa ra một hệ thống hoàn chỉnh trong khâu giám sát, phát hiện, cảnh báo và hướng xử lý bệnh.
Khắc phục những điểm này, lựa chọn cây dưa chuột, là một trong những sản phẩm nông sản có thế mạnh của Việt Nam song chất lượng và sản lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều nước nhập khẩu trên thế giới, nhóm đề tài thiết kế một hệ thống giám sát tình trạng sức khỏe của cây để đưa ra cảnh báo và hướng xử lý kịp thời.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá, về tổng thể, đề tài nghiên cứu đạt được mục tiêu đề ra, đã đảm bảo kết cấu và tính logic của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp trọng điểm Học viện. Hệ thống sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát hiện và cảnh báo được bệnh sương mai và bệnh phấn trắng trên cây dưa chuột. Bộ dữ liệu ảnh của hệ thống có triệu chứng bệnh từ nhẹ đến nặng, với nền nhiễu ánh sáng phức tạp nên có khả năng ứng dụng cao. Thuật toán AI được cải tiến của nhóm nghiên cứu đã đạt được độ chính xác cao cho cây trồng nghiên cứu, có khả năng phát hiện bệnh ở cấp độ 1 (triệu chức bệnh nhẹ). Mô hình hệ thống robot giám sát được thiết kế đã sử dụng các phần cứng có cấu hình thấp nhưng vẫn đạt được hiệu quả khả quan bằng phương pháp phát hiện và phân loại ảnh cây bị bệnh.
Nhìn chung, đề tài nghiên cứu có tính cấp thiết, tính mới, tính ứng dụng thực tiễn cao. Xét về khía cạnh giáo dục và đào tạo, hệ thống có thể sử dụng làm mô hình giảng dạy, đồng thời việc ứng dụng hệ thống trong thực tiễn cũng mang lại hiệu quả về mặt kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng khoa học, GS.TS Phan Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu kết luận: Đây là một đề tài khoa học được tổ chức thực hiện nghiêm túc, các phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục đích, phạm vi nghiên cứu. Đề tài có giá trị thực tiễn cao, hệ thống thiết bị và quy trình công nghệ kết quả nghiên cứu là kết quả của đề tài có giá trị khoa học và tiềm năng ứng dụng cao trong lĩnh vực sản xuất cây trồng nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nói chung, mang lại giá trị và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Đề tài được Hội đồng nhất trí nghiệm thu với tổng điểm trung bình 90,6 và xếp loại Tốt./.
Một số hình ảnh buổi nghiệm thu: