Công việc làm đất và gieo trồng ở Việt Nam hiện nay vẫn diễn ra riêng lẻ và nhiều công đoạn, dẫn đến tăng chi phí máy móc và thời gian. Việc tác động nhiều lần vào đất sẽ làm ảnh hưởng đến cơ lý tính của đất, khả năng giữ ẩm kém. Để khắc phục điều này, cần có biện pháp canh tác để giảm thiểu số lần tác động lên đất trồng.
Một phương pháp mà hiện nay nhiều nước đã và đang sử dụng là làm đất bảo tồn hay công cụ làm đất tối thiểu. Có hai phương pháp làm đất bảo tồn: Một là hạn chế vùng tác động của công cụ trên mặt ruộng. Hai là hạn chế số lần đi lại của máy trên ruộng. Đối với nước ta, việc áp dụng phương pháp thứ nhất chưa phù hợp vì điều kiện địa hình đất đai phức tạp, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên tính chất đất cũng bị biến đổi nhiều như thiếu dinh dưỡng, thiếu ẩm, đất quá chặt, khó thoát nước,… Việc canh tác trên toàn bộ diện tích của mặt ruộng để cải thiện tính chất của đất trước khi gieo trồng là thực sự cần thiết. Theo phương pháp thứ hai, chúng ta hoàn toàn có thể thiết kế các liên hợp máy có khả năng kết hợp nhiều công đoạn từ khâu canh tác đến khâu gieo trồng.
Cán bộ bộ môn Máy nông nghiệp, khoa Cơ – Điện đã thiết kế, chế tạo thành công mẫu máy làm đất bảo tồn cho cây trồng cạn ở vùng đồng bằng: “Máy lên luống kết hợp rạch hàng gieo trực tiếp MXR-1,4”
Máy lên luống kết hợp rạch hàng gieo hạt trực tiếp MXR – 1,4
Cấu tạo máy lên luống kết hợp rạch hàng gieo trực tiếp MXR-1,4 gồm bốn lưỡi xới, đặt cách nhau 40 – 60cm và ba lưỡi xới đặt xen giữa các cặp lưỡi xới. Bộ phận khung treo liên kết với động lực và có bộ phận thay đổi độ sâu của lưỡi xới từ 0 – 30cm.
Lưỡi xới có nhiệm vụ ăn sâu vào đất, cắt đất, đưa đất lên diệp, được chế tạo rời bằng thép và được mài cạnh sắc, được lắp bằng bulông chìm mỗi bên. Diệp có tác dụng nâng đất lên, đưa đất lên cánh diệp để vun đất vào luống. Diệp được hàn vào trụ, phía sau có hàn thanh chống trụ vừa tăng độ cứng cho trụ vừa liên kết vào bộ phận để mở cánh diệp khi cần thiết.
Lưỡi rạch có nhiệm vụ tạo rãnh trong khi canh tác trên đồng, nó có thể được nối với bộ phận gieo hạt. Dựa vào cấu tạo lưỡi rạch người ta có thể chia thành 2 loại: lưỡi rạch loại lưỡi và lưỡi rạch loại đĩa. Hiện nay, lưỡi rạch loại lưỡi được sử dụng rộng rãi hơn do có kết cấu đơn giản và giá thành rẻ hơn so với lưỡi rạch loại đĩa. Do vậy máy sử dụng bộ phận rạch loại lưỡi rạch. Yêu cầu của lưỡi rạch là đảm bảo bề rộng và độ sâu quy định của rãnh. Không xốc lớp đất ở dưới lên làm mất ẩm của đất, không vướng cỏ rác. Do đó lưỡi rạch được thiết kế có góc rạch tù.
Máy đã được thử nghiệm thành công và đang hoàn thiện chuyển giao cho sản xuất.
ThS. Lương Thị Minh Châu