Seminar khoa học quốc tế “Introducing the Kinova Gen3 Lite robot”

Ngày 22/10/2024, tại phòng Hội thảo, khoa Cơ – Điện cùng nhóm nghiên cứu mạnh “Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” đã phối hợp tổ chức Seminar khoa học với chủ đề “Introducing the Kinova Gen3 Lite robot”.

Đại biểu tham dự seminar chụp ảnh lưu niệm

Tham dự seminar, về phía chuyên gia có ông Ngô Đức Chiểu, Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Quốc; Ông Catalin Firanescu, quản lý cấp cao khu vực châu Á, Thái Bình dương, châu Âu và Trung Đông của Tập đoàn Kinova; Về phía khoa Cơ – Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có sự tham dự của TS. Nguyễn Thị Hiên – Phó trưởng Khoa Cơ – Điện; TS. Nguyễn Thái Học – Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu mạnh.

Phát biểu tại buổi seminar, TS. Nguyễn Thị Hiên vui mừng chào đón các chuyên gia đã quan tâm, giới thiệu nhiều công nghệ mới về lĩnh vực robot ứng dụng trong giáo dục, đào tạo, trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và coi đây là các hoạt động thắt chặt hơn nữa việc trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học và các hợp tác giữa các bên. TS. Nguyễn Thị Hiên đã giới thiệu sơ bộ về lịch sử hình thành và phát triển cũng như một số thành tựu nổi bật đã đạt được của Khoa Cơ-Điện trong đào tạo và nghiên cứu khoa học từ đó mong muốn và đề nghị các chuyên gia giới thiệu về các thế hệ robot và công nghệ mới sử dụng trong các thế hệ robot đó, trên cơ sở đó trao đổi về các nội dung có thể liên kết, phối hợp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Ông Catalin Firanescu đã chia sẻ các công nghệ tích hợp trên Robot Kinova Lite thuộc thế hệ thứ 3 và các ứng dụng hiệu quả của loại robot này trong đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Ông Catalin Firanescu giới thiệu các công nghệ trên Robot Kinova Gen3 Lite
Trình diễn các công nghệ nổi bật của Kinova Gen3 Lite robot

Robot Kinova Gen3 Lite là dòng robot với nhiều ưu điểm nối bật như siêu nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển, tiêu thụ ít năng lượng,… đặc biệt với phần mềm API mở, người dùng có thể dễ dàng phát triển các ứng dụng. Thiết kế và chức năng của robot đảm bảo sự an toàn và hiệu năng trong quá trình sử dụng. Robot có tải trọng kẹp là 500g, tầm với tối đa đến 760mm, khả năng chuyển động linh hoạt, chính xác và tiết kiệm không gian, nên rất thích hợp trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Chương trình seminar khép lại với nhiều sự tương đồng trong các ý tưởng nghiên cứu ứng dụng robot Kinova trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chương trình seminar thực sự là hoạt động phối kết hợp hữu ích giữa Khoa Cơ – Điện, nhóm nghiên cứu mạnh và các doanh nghiệp giúp cho giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên của Khoa cập nhật công nghệ, thiết bị mới nhằm phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các bên cũng đã thống nhất xây dựng được một chương trình hợp tác dài hạn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ giảng viên và sinh viên của Khoa.

Nhóm nghiên cứu mạnh:

Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao