Ngày 14/7/2025, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ bán dẫn và Thiết bị tự động hóa đã tổ chức buổi Seminar khoa học tháng 7 của nhóm trong năm 2025. Đến tham dự có đông đủ các thành viên của nhóm nghiên cứu, các cán bộ giảng viên và các em sinh viên của khoa Cơ – Điện quan tâm đến dự. Trong buổi Seminar, có 3 chuyên đề đã được trình bày, thảo luận đó là: 1. Ứng dụng công nghệ Plasma lạnh trong nông nghiệp; 2. Ứng dụng công nghệ xử lý ảnh trong nuôi trồng thủy sản; 3. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ IoT trong hệ thống tự động ổn định áp suất nước cấp cho nhà cao tầng.
Mở đầu, TS. Nguyễn Thái Học đã trình bày Seminar với chuyên đề “Ứng dụng công nghệ Plasma lạnh trong nông nghiệp”. Nội dung của chuyên đề này trình bày về tiềm năng và ứng dụng của công nghệ plasma lạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong xử lý hạt giống, khử khuẩn bề mặt nông sản, kích thích tăng trưởng cây trồng và bảo quản sau thu hoạch. Plasma lạnh là trạng thái khí ion hóa có năng lượng thấp, cho phép tiêu diệt vi sinh vật có hại mà không làm hư hại mô sống, nhờ vậy phù hợp với nông nghiệp sạch và an toàn. Công nghệ này được đánh giá là một trong những công nghệ có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới do có nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, không gây tồn dư hóa chất trên nông sản, góp phần giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan hiện nay. Tác giả cũng đề cập đến một số kết quả thực nghiệm sơ bộ và các định hướng ứng dụng công nghệ Plasma lạnh trong tương lai, nhấn mạnh vào việc nâng cao chất lượng và năng suất sản xuất nông nghiệp.

Tiếp theo, ThS. Đặng Thị Thúy Huyền trình bày chuyên đề “Ứng dụng xử lý ảnh trong nuôi trồng thủy sản”. Nuôi trồng thủy sản đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với nhiều thách thức như chậm phát hiện bệnh trên vật nuôi, lãng phí thức ăn, ô nhiễm môi trường nước và chi phí sản xuất tăng cao. Để giải quyết những vấn đề này, việc ứng dụng công nghệ xử lý ảnh kết hợp với các công nghệ AI, IoT, kỹ thuật điều khiển & tự động hóa đang mở ra hướng đi mới – hiệu quả, thông minh và bền vững. Seminar tập trung vào ba hướng nghiên cứu nổi bật: Thứ nhất, giám sát hành vi và sức khỏe cá bằng camera dưới nước. Công nghệ xử lý ảnh giúp phát hiện sớm dấu hiệu bất thường như cá bị stress, bệnh hoặc giảm vận động, từ đó can thiệp kịp thời, giảm thiểu rủi ro; Thứ hai, giám sát màu nước trên diện rộng bằng ảnh drone. Dữ liệu hình ảnh chụp từ trên cao cho phép theo dõi sự biến đổi màu nước – yếu tố quan trọng để phát hiện tảo nở hoa, ô nhiễm hữu cơ hay hiện tượng thiếu oxy; Thứ ba, phát hiện cá chết nổi tự động. Kết hợp camera và AI để phát hiện nhanh hiện tượng cá chết hàng loạt, đưa ra cảnh báo sớm và hỗ trợ xử lý hiệu quả. Các giải pháp này không chỉ phù hợp với các trang trại quy mô lớn mà còn đang từng bước trở nên phổ biến nhờ chi phí giảm và công nghệ dễ triển khai. Đây là xu hướng tất yếu trong tương lai gần, góp phần hiện thực hóa mô hình nuôi trồng thủy sản thông minh – chính xác – bền vững.

Cuối cùng, TS. Nguyễn Thái Học trình bày Seminar với chủ đề: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ IoT trong hệ thống tự động ổn định áp suất nước cấp cho nhà cao tầng”. Tác giả trình bày mô hình giám sát áp suất nước trong nhà cao tầng bằng công nghệ IoT, sử dụng hệ thống điều khiển nhúng kết hợp với cảm biến thông minh và trên các phần mềm Arduino IDE, Blynk và Google Sheets. Hệ thống cho phép thu thập, truyền và lưu trữ dữ liệu áp suất nước, điện áp, dòng điện theo thời gian thực, hỗ trợ giám sát từ xa qua điện thoại và máy tính. Các kết quả khảo nghiệm thực tế cho thấy sai số thấp (~2%), độ trễ nhỏ, vận hành ổn định và khả năng mở rộng cao. Mô hình được đánh giá là phù hợp cho giảng dạy, nghiên cứu và triển khai thực tế trong môi trường dân dụng và công nghiệp. Báo cáo cũng đề xuất tích hợp thêm tính năng cảnh báo sự cố, ghi lỗi tự động và phát triển theo hướng thương mại hóa thông minh hơn trong tương lai.

Mỗi chủ đề khoa học được trình bày đều nhận được những ý kiến trao đổi, thảo luận, đóng góp nhiệt tình của các thầy cô giáo và các em sinh viên. Buổi seminar đã mở ra các hướng nghiên cứu cho các thành viên trong nhóm trong thời gian tới trong việc ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ Plasma lạnh, công nghệ AIoT, công nghệ xử lý ảnh,… trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong bảo quản nông sản, nuôi trồng thủy sản nói riêng. Buổi seminar thực sự là diễn đàn khoa học trong việc ứng dụng các công nghệ thông minh nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam xanh, phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0.
Một số hình ảnh của buổi Seminar:
Nhóm NCM Công nghệ bán dẫn và Thiết bị tự động hóa