Ngày 07/12/2024, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tổ chức buổi seminar khoa học thường xuyên của nhóm trong năm 2024. Đến tham dự có đông đủ các thành viên của nhóm nghiên cứu, các cán bộ giảng viên quan tâm và các em sinh viên chuyên ngành Điều khiển và Tự động hóa của khoa Cơ – Điện. Trong buổi seminar, có 4 chuyên đề đã được trình bày, đó là: 1. Thiết kế chế tạo hệ thống phát hiện và cảnh báo hiện tượng tăng nhiệt bất thường trên các thiết bị điện sử dụng công nghệ ảnh nhiệt; 2. Ảo hóa hệ thống bảo vệ và điều khiển để hiện đại hóa hệ thống điện; 3. Đánh giá thực trạng sử dụng nguồn ánh sáng trong sản xuất nông nghiệp; 4. Hệ thống giám sát nông nghiệp thông minh dựa trên IoT.
Mở đầu, TS. Nguyễn Thái Học đã trình bày seminar với chuyên đề “Thiết kế chế tạo hệ thống phát hiện và cảnh báo hiện tượng tăng nhiệt bất thường trên các thiết bị điện sử dụng công nghệ ảnh nhiệt”. Nhiệt độ là yếu tố quan trọng quyết định tuổi thọ và hiệu suất của thiết bị. Camera ảnh nhiệt sử dụng bức xạ hồng ngoại để tạo hình ảnh nhiệt, cho phép người dùng nhìn thấy chính xác nhiệt độ từ xa của một vật thể. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả trình bày các bước thiết kế hệ thống, lựa chọn thiết bị cho hệ thống phát hiện và cảnh báo tăng nhiệt bất thường trên các thiết bị điện sử dụng công nghệ ảnh nhiệt. Kết quả thu được có độ chính xác cao và sai lệch giữa nhiệt độ đo được và nhiệt độ thực tế của thiết bị rất nhỏ (dưới 3 độ C). Điều này cho thấy sự hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ xử lý ảnh nhiệt trong giám sát tình trạng thiết bị điện nói chung và theo dõi quá trình hoạt động của các phần tử trong mạng điện nói riêng. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu bước đầu, nhóm tác giả đã đưa ra các phương án xử lý và phòng tránh hiệu quả các sự cố về cháy, nổ, đóng cắt ngừng cung cấp điện sử dụng công nghệ xử lý ảnh nhiệt.
Tiếp theo, ThS. Nguyễn Thị Duyên trình bày chuyên đề “Ảo hóa hệ thống bảo vệ và điều khiển để hiện đại hóa hệ thống điện”. Việc tập trung áp dụng hiệu quả khoa học – công nghệ và công nghệ thông tin trong việc hiện đại hóa lưới điện và trong công tác quản lý nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, hạn chế tổn thất điện năng. Vì vậy, giải pháp ảo hoá hệ thống bảo vệ và điều khiển giúp thu gọn phần cứng lưới điện, tăng hiệu suất, tính linh hoạt và tốc độ trong truyền tải và phân phối điện. Các thành phần của hệ thống ảo hoá bảo vệ và điều khiển hệ thống điện hiện đại gồm: phần cứng, môi trường máy ảo, thiết bị ảo hoá và khả năng kết nối. Đây là một trong những giải pháp giúp ngành điện đón đầu tương lai và cất cánh thương mại.
Tiếp theo chương trình, ThS. Nguyễn Thị Huyền Thanh trình bày seminar với chủ đề: “Đánh giá thực trạng sử dụng nguồn ánh sáng trong sản xuất nông nghiệp”. Ánh sáng có vai trò lớn trong sản xuất nông nghiệp. Ánh sáng giúp cây trồng quang hợp, sinh trưởng và phát triển tốt. Ánh sáng giúp nhiều loài vật sinh sôi và tăng trưởng khỏe mạnh. Ánh sáng thích hợp giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại, kéo dài thời gian bảo quản của nông sản. Trên thế giới và ở Việt Nam đã sử dụng nhiều loại nguồn sáng khác nhau trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tác giả đưa ra những phân tích về hiệu quả kinh tế mà mỗi nguồn sáng mang lại dựa trên việc đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật. Các phân tích cho thấy, nguồn sáng Led có nhiều ưu điểm hơn so với các nguồn sáng truyền thống. Loại nguồn sáng này vừa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao khi điện năng tiêu thụ thấp mà dễ dàng vận dụng các công nghệ IoT để giám sát và điều khiển tự động từ xa các thông số kỹ thuật cần thiết. Nhưng đèn Led chuyên dụng hiện nay dùng cho cây trồng, loài vật hay sản phẩm nông sản vẫn còn ít và hiếm. Chính vì vậy, cần có nhiều nguồn lực đầu tư hơn theo hướng này trong tương lai.
Cuối cùng, TS. Ngô Quang Ước trình bày seminar với chủ đề “Hệ thống giám sát nông nghiệp thông minh dựa trên IoT”. Dân số toàn cầu ngày càng tăng đòi hỏi sản xuất được cải thiện để cung cấp lương thực trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong nông nghiệp. Nông nghiệp thông minh là một lựa chọn tốt hơn để tăng sản lượng lương thực, quản lý tài nguyên và lao động. Với sự phát triển mạnh mẽ của IoT sẽ giúp cải thiện rất lớn trong việc giám sát nông sản và điều khiển các thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ trong sản nông nghiệp như Máy bay không người lái, robot, các cảm biến…điều này giảm thiểu yếu tố con người, làm giảm nhân công, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả canh tác. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố có lợi, việc áp dụng IoT cũng đặt ra vấn đề bảo mật cần chú trọng khi áp dụng vào thực tế. Ngoài ra, vấn đề về chi phí đầu tư cũng là rào cản cho việc áp dụng rộng rãi các thiết bị này trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các nước phải nhập khẩu thiết bị.
Mỗi chủ đề khoa học được trình bày đều nhận được những ý kiến trao đổi, thảo luận, đóng góp nhiệt tình của các thầy cô giáo và các em sinh viên. Buổi seminar đã đem lại nhiều cách nhìn khác nhau về công nghệ thông minh trong nông nghiệp hiện nay và xu hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp. Đồng thời cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trong thời gian tới cho các thành viên trong nhóm nghiên cứu và các em sinh viên. Điều này cũng giúp các em sinh viên thêm yêu thích với ngành học và tạo động lực cho các em khi tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Cuối buổi, các thầy cô và các em sinh viên đã cùng chụp ảnh lưu niệm.
Nhóm NCM Công nghệ và Thiết bị tự động hóa
trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao