VNUA – Người bạn thanh xuân của tôi

Khoa Cơ Điện – Sự lựa chọn không bao giờ nuối tiếc      Trời lập thu rồi, mùa tựu trường lại sắp đến rồi, nhưng năm nay chúng ta có được thấy VNUA xinh đẹp trong tiết thu trong veo đó nữa không? Trong lúc này đây, trong khoảng thời gian này, VNUA chắc đang nhớ chúng ta lắm, “bạn ý” sắp 65 tuổi rồi, sắp sinh nhật bạn ý rồi. Đáng lẽ như những năm về trước giờ này không khí chuẩn bị sinh nhật cho người bạn này phải tưng bừng, nhộn nhịp lắm rồi. Năm nay khác hơn, mọi thứ như ngừng lại, trầm mặc, sinh viên chúng ta ở nhà với gia đình, vẫn được học tập, gặp gỡ bạn bè, thầy cô qua máy tính, điện thoại, nhưng cũng có những con người ngoài kia đang trong một cuộc chiến khốc liệt, cố gắng, hi sinh từng ngày để đem lại cuộc sống bình thường cho tất cả người dân Việt Nam. Còn đối với tôi hôm nay tôi sẽ tâm sự một chút về nỗi nhớ của tôi với ngôi trường mà tôi đã gắn bó 3 năm thanh xuân – Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Ảnh hồ sen và giảng đường Nguyễn Đăng (Nguồn: vanphonghocvien)
Khi xưa chúng ta có những dòng nhật kí, dòng lưu bút, còn hôm nay Facebook và Google nhắc tôi, giờ này 3 năm trước tôi chính thức trở thành tân sinh viên Học Viện Nông nghiệp Việt Nam. “Nông nghiệp”, đó là một người bạn sẽ khiến ta say mê ngay từ ánh nhìn đầu tiên, ấn tượng từ lần đầu gặp gỡ. Chừng giờ này 3 năm về trước, vào ngày hè nắng chói chang ấy, tôi, cô bé 18 tuổi vừa mới tốt nghiệp cấp 3 khi ấy đã lần đầu đặt chân vào một ngôi trường đại học. Từ gì có thể diễn tả lại cảm xúc của tôi khi ấy được, tôi chỉ biết thốt lên “wow!”. Vào ngày đầu tiên tôi đặt chân đến mảnh đất Gia Lâm này tôi được một người chị họ là sinh viên năm 3 Khoa Thú Y ở trường khi ấy đón từ bến xe bus, chị định trở tôi về nhà trọ để nghỉ ngơi, nhưng tôi đã nằng nặc đòi chị trở đi thăm trường đã. Cảm xúc đầu tiên của tôi sau khi vào cổng trường đó là “Mình sẽ học ở đây ư, đây sẽ là trường đại học của mình!”, tôi ước gì có máy ghi cảm xúc để có thể lưu giữ lại những xúc cảm tuyệt vời khi ấy. Chị đã trở tôi lượn khắp ngóc ngách của VNUA: 4 hồ, giảng đường Nguyễn Đăng, giảng đường A, B, quảng trường sinh viên, vườn thực vật, sân vận động, kí túc xá…Xâm chiếm toàn bộ tâm trạng của tôi lúc đó là cảm xúc háo hức, mong chờ, “ôi! ngày nhập học! ngày đi học! gặp bạn bè mới!” Vậy đó, tôi đã phải lòng người bạn VNUA này “dễ dàng” thế đấy. Sáng hôm sau (10/08/2018) tôi và cô bạn thân từ nhỏ cùng dắt tay nhau đi nhập học, và như nhiều bạn sinh viên VNUA khác, chúng tôi bị lạc đường, bơ vơ giữa 4 hồ, chúng tôi không biết nơi nhập học là nhà hành chính ở đâu. Sau khi được một chị sinh viên chỉ đường, chúng tôi tìm được nơi nhập học, mà cảm xúc lúc đó thật là đối ngược với lúc mới vào trường lắm, tôi nghĩ “mệt quá đi thôi, ôi! Trường to quá trời! Sau này ngày nào mình cũng đi bộ đi học thế này chắc mình chết mất thôi!”. Ôi!, đúng là những suy nghĩ rất ngây ngô, bồng bột của đứa nhóc mới lên đại học. Nói đến bồng bột, ngô nghê, tôi lại nhớ đến câu hỏi tôi bị hỏi nhiều nhất những năm đại học vừa qua. Đó chính là: “Tại sao em/bạn lại học ngành này?”, ngành của tôi là Kỹ thuật Cơ khí, chuyên ngành Cơ khí Chế tạo máy. Vậy đó, một đứa con gái chân yếu tay mềm lại đi học cái ngành vất vả, khó khăn mà chỉ toàn con trai học này. Nghĩ lại thì tôi thấy nó chỉ gói gọn trong chữ “duyên”. Cái duyên đã mang tôi đến với Khoa Cơ-Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam này. Tôi theo khối D01 suốt 3 năm cấp 3, thế mà tôi đã đổi nguyện vọng vào phút chót để ứng tuyển vào trường. Và quyết định chớp nhoáng ấy đã không làm tôi hối hận một chút nào, VNUA với tôi đã, đang và sẽ có với nhau nhũng ngày tháng tuyệt vời. Những ngày tháng học online ở nhà, chỉ nhìn thầy cô, bạn bè qua màn hình tôi càng nhớ hơn những buổi sáng dậy sớm, những trưa nắng đi học tiết đầu, vội vàng sách vở, bước chân gấp gáp khi nghe thấy tiếng chuông vào lớp. Với tôi cảm giác tuyệt vời nhất đó chính là khi tôi đạp xe lúc chiều tà trên trục đường chính, hai bên là hồ sen, là hàng bằng lăng mùa thay lá, là bạn bè đang cười nói về những câu chuyện học đường hôm nay. Một cảm giác có lẽ đến khi về già tôi vẫn sẽ nhớ.
        Trục đường chính với hai hàng bằng lăng (Nguồn: Gody.vn)
“Nông nghiệp” đẹp bình yên mà duyên dáng, “Nông nghiệp” ấy của chúng tôi có lúc lại rực rỡ, sôi động. Mỗi góc trường đều in dấu trong tâm trí tôi những khoảng khắc đáng nhớ. Các bạn năm nhất ơi, mình mách nhỏ các bạn một thú vị này nè, hãy đăng ký học một môn thể dục vào kì học mùa đông, và vào tiết học buổi chiều nhé. Các bạn sẽ biết cảm giác gió thổi những hàng cây cổ thụ rũ lá vàng đầy sân thú vị như thế nào, nằm trên sân cỏ xanh, bắt những chiếc lá rơi, tiếng thầy gọi tập trung, tiếng bạn bè trêu đùa, giờ thể dục trong các bộ phim thanh xuân cũng chỉ đẹp đến vậy thôi. Biết kể đến bao giờ cho hết những cảnh đẹp của VNUA, những kỉ niệm thân thương với từng địa điểm. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất với tôi đó chính là VNUA những ngày hè, không còn tiếng nói cười, tiếng bước chân nhộn nhịp, đông vui của các bạn sinh viên, “Nông nghiệp” ngày hè mang một vẻ đẹp buồn man mác, như cô thiếu nữ trang điểm sinh đẹp mà người yêu không đến. Mỗi khi mùa hè đến hoa sen, hoa súng ở 4 hồ đua nhau nở rộ, hàng bằng lăng, phượng vĩ cũng không kém cạnh, từng đoá hoa tím bồng bềnh như mây khoe sắc tưng bừng, điểm thêm vài chấm đỏ e lệ.
Mùa hè ở VNUA (Nguồn: kenh14.vn)
Sẽ còn tuyệt vời hơn nếu bạn đến VNUA vào những ngày mưa tháng 7 âm lịch, những cơn mưa triền miên khiến nước trong 4 hồ dâng cao, ngập đến cả giảng đường, mọi người sẽ thấy bất tiện ư? Trái lại ai cũng thích và tận hưởng khoảnh khắc ấy, mọi người sắn quần, xếch dép đi đến lớp, có nhóm bạn nghịch ngợm còn quay lại video cùng nhau chơi đùa, tắm mưa. Cá rô, cá cờ, rắn nước có khi còn bơi đến tận bậc thang giảng đường, làm sao có thể bắt gặp cảnh tượng ấy ở giữa đất thủ đô ngày nay. Thế đó, “Nông nghiệp” mang lại cho chúng tôi cảm giác thân thuộc, giản dị và bình yên như những vùng quê xưa.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam xưa nay vốn nổi tiếng với ngành thế mạnh về thú y, cây trồng, thế nhưng tôi lại chọn học Cơ khí ở đây, thời gian đầu tôi đã rất tự ti và mặc cảm vì mình chọn ngành không phải thế mạnh của trường. Nhưng mọi thứ đã thay đổi từng ngày, khi tôi được học tập, tiếp xúc nhiều hơn với thầy cô Khoa Cơ-Điện, với các anh chị sinh viên khoá trên. Tôi cảm thấy mình thật may mắn, tôi là nữ trong một Khoa đa số là sinh viên nam, vậy nên tôi được mọi người giúp đỡ và quan tâm rất nhiều. Sang đến năm 2 khi được tiếp xúc với nhiều thầy cô trong khoa hơn, tôi càng cảm nhận rõ sự nhiệt tình, tâm huyết của thầy cô giành cho sinh viên. Những kỉ niệm với thầy cô thì thật nhiều mà cũng thật đẹp, nhưng tôi nhớ nhất là ngày 20-11 năm nhất ấy, các bạn nam trong lớp tặng cô giáo dạy Giải tích của chúng tôi và hai đứa con gái trong lớp mỗi người một bó hoa tươi, kèm sau đó là màn trình diễn một bạn đánh guitar, một bạn hát. Hôm đó, cô giáo đã rất vui, cô nói đây là lần đầu tiên cô được nhận hoa khi dạy đại học, chính điều này đã làm cho tôi nhớ mãi. Phải chăng tình cảm thầy trò trên giảng đường đại học đã bị phai mờ rồi không, hay có lẽ chúng ta luôn nghĩ rằng giảng viên đại học thì lạnh lùng, xa cách. Chúng ta không thể trách ai, chỉ tiếc vì thầy cô trên đại học thường chỉ dạy chúng ta một, hai môn, thế nên thời gian bên nhau, kỉ niệm cũng sẽ rất ít, và sinh viên thời nay cũng có nhiều cám dỗ, nhiều thú vui mà đôi khi chúng ta vô tâm quên mất những tình cảm bình dị, thân quý giữa thầy trò ấy. Năm hai tôi cũng chứng kiến một thầy giáo kì cựu của Khoa Cơ-Điện nghỉ hưu, lớp chúng tôi thật sự may mắn khi là lớp cuối cùng thầy đứng lớp trước khi giã từ sự nghiệp nhà giáo. Một thầy giáo giỏi, cá tính, nghiêm khắc nhưng cũng nhiều lúc dí dỏm đã nghỉ hưu, buổi học cuối cùng thật đượm buồn. Tôi được học thầy 2 môn quan trọng, lúc thầy nghỉ dạy tôi có nhiều điều luyến tiếc, nhưng có lẽ điều luyến tiếc nhất đó là các em khoá sau không được học thầy, không được trải nghiệm những nét cá tính, thú vị và cả sự khắt khe của thầy. Thầy chính là vị “sư phụ uy nghiêm” mà ai cũng nên được một lần làm đệ tử trong cuộc đời học hành của mình. Sang đến năm ba tôi một lần nữa phải chứng kiến cô giáo mà tôi rất mực yêu quý, ngưỡng mộ chuyển công tác, nhưng đó mới mới là cuộc sống, luôn có những niềm tiếc nuối, những niềm vui và cơ hội bất ngờ. Dù sao, Khoa tôi vẫn còn rất nhiều những thầy cô giỏi chuyên môn mà thương yêu, nhiệt tình với sinh viên. Tôi nhớ học kì 2 năm 2, năm ấy Covid lần đầu tiên đến, chúng tôi học online phần lớn, nên một số môn không hiểu bài, đến khi lên trường chuẩn bị thi, nhóm chúng tôi đã xin các thầy, các cô dạy phụ đạo thêm cho chúng tôi. Các thầy cô đều là những người cực kì bận rộn, nhưng vẫn đồng ý ngay lập tức nguyện vọng của đám học trò chúng tôi. Tôi vẫn nhớ trong nhóm tôi khi ấy có một cậu bạn bị gãy chân, phải chống nạng đi, nhưng vẫn cố leo cầu thang để đến nghe thầy giảng, chỉ có mấy thầy trò thôi nhưng vẫn ngồi say sưa đến tối mịt trong phòng thư viện Khoa, những ngày tháng cố gắng và ý nghĩa ấy, làm sao ta có thể quên được.
Điều nuối tiếc nhất của tôi giờ đây có lẽ chính là những quãng thời gian phải xa trường do dịch Covid, đáng lẽ tôi đã có thể có nhiều kỉ niệm hơn, nhiều trải nghiệm thú vị hơn trong quãng thời gian sinh viên này, tôi đã lỡ hẹn với bao nhiêu cuộc thi rồi, những cuộc thi quốc gia cho sinh viên kĩ thuật mà tôi mơ ước từ năm nhất có lẽ sẽ không còn cơ hội tham gia nữa. Tôi lại nhớ lần cuối cùng gần đây nhất tôi ở trường, hôm đó tôi học chiều, thầy cho nghỉ sớm, tôi ra sân bóng nơi đang diễn ra buổi khai mạc bóng đá nam sinh viên truyền thống của Khoa tôi-Khoa Cơ Điện. Ôi! Cái không khí ấy, buổi chiều tà đầu hè, nắng vàng đượm pha chút đỏ thắm, không khí trong lành, dễ chịu, gió vi vu, nhưng trái ngược với thời tiết nhẹ nhàng ấy là không khí tưng bừng, nhộn nhịp của 8 đội bóng đang tranh tài trận khai mạc, 4 sân bóng ở liền nhau, 4 trận bóng diễn ra, bàn thắng được ghi, tiếng hò reo, cổ vũ, tiếng tuýt còi của trọng tài. Bức tranh đầy đủ âm thanh, sắc màu và sự nhiệt huyết , máu lửa của tuổi trẻ này thật đẹp biết bao. Thế nhưng tất cả đã phải dừng lại, về nhà, bỏ lại người bạn VNUA của chúng ta, vẫn xinh đẹp, duyên dáng, nhưng ta chỉ có thể nhìn ngắm qua những chiếc ảnh. Tôi buồn bực, khó chịu, tôi tự hỏi mãi, tại sao cuộc đời sinh viên của mình không được trọn vẹn, bao nhiêu thứ đã bị lấy đi mất, đã trôi qua vô vị rồi. Nhưng tôi đã kịp suy nghĩ lại, đã chịu để ý rằng thế hệ sinh viên đời đầu của Đại học Nông nghiệp 1 thì sao. Vào những năm 70 của thế kỷ 20, khi chiến tranh lan rộng cả hai miền nam bắc, chiến trường miền nam cũng bước vào giai đoạn quyết liệt, cần sự chi viện sức người sức của, nhất là lực lượng trí thức có thể làm chủ khoa học, kỹ thuật quân sự hiện đại để đánh Mỹ. Với tinh thần “Ba sẵn sàng”, tinh thần “Nước còn giặc còn đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân”, hàng trăm sinh viên trường Đại Học Nông nghiệp 1 đã rời ghế nhà trường, xếp lại bút nghiên, sách vở lên đường tòng quân, tham gia lực lượng trùng điệp của lớp lớp thanh niên cả nước đi đánh giặc. Và có những người đã hy sinh trong độ tuổi đẹp nhất, khi mà cả tương lai và con đường học hành còn đang trông chờ phía trước. Vậy nên chúng ta, những thế hệ sinh viên tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ tại sao có thể chỉ vì một chút khó khăn đã chán nản, tuyệt vọng. Ý thức được điều này tôi đã lấy lại tinh thần học tập, rèn luyện và can đảm nộp đơn tham gia chương trình “Internship Moldex3D 2021” do cô giáo trong Khoa giới thiệu. Trong hai tháng hè tham gia chương trình thực tập sinh này tôi đã được học hỏi rất nhiều kiến thức bổ ích, được tiếp xúc với những chuyên gia, các bạn sinh viên giỏi từ trường khác. Điều đặc biệt nhất với tôi trong kì thực tập này đó là tôi được gặp gỡ và làm việc với các bạn, các thầy thuộc các trường top đầu về kĩ thuật trong nước. Nó chính là cơ hội nhưng cũng là áp lực lớn nhất và chính áp lực vô hình ấy đã suýt đè nát tôi mấy lần. Nhưng nhờ có sự động viên của thầy cô trong Khoa, cùng sự cố gắng, kiên trì, tôi đã thành công hoàn thành khoá thực tập này. Để từ đó tôi nhận ra sức học hỏi, thích nghi của con người là vô hạn, điều quan trọng là bạn có dám dũng cảm đối đầu, dám kiên trì đi theo hay không thôi. Tôi không còn tự ti hay ngại ngùng vì mình là sinh viên Nông nghiệp nữa, mà tôi còn tự hào kể với mọi người trong nhóm, trong công ty về ngôi trường mình đang theo học. Tôi rất muốn nói với tất cả các bạn sinh viên Khoa Cơ Điện cũng như sinh viên VNUA rằng đại học là những năm tháng học tập, tích luỹ tri thức, kết bạn, vui chơi, trải nghiệm, đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, có những lúc bạn rơi vào khủng hoảng, bế tắc nhưng chỉ buồn một lúc thôi, rồi lại đứng lên, quyết tâm và nỗ lực hơn nữa. Và điều quan trọng hơn mà mỗi sinh viên luôn nhắm đến đó là cơ hội việc làm, tích luỹ kinh nghiệm trước khi ra trường có rất nhiều, chỉ là bạn có dám nắm bắt lấy không. Và để có được hành trang cho những chuyến đi kinh nghiệm ấy thì không gì khác chính là sự học tập, tích luỹ chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ, tin học từng ngày từng ngày và từ ngay hôm nay. Hãy làm sao để 4,5 năm đại học của bạn thật ý nghĩa và đáng nhớ chứ không phải hời hợt, nhạt nhẽo trôi qua ngày qua ngày.
Ngày mai đây Học viện sẽ ngày một khang trang, đổi mới hơn nữa, dự án do World Bank tài trợ đang thay từng lớp áo mới để tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam vươn tâm quốc tế và khu vực. Nhưng dù có thay đổi ra sao, dù có phát triển như thế nào thì trong tâm trí của mỗi sinh viên chúng tôi vẫn là mái trường thân yêu ấy, nơi ta đã giành cả thanh xuân để cố gắng. Ta bước chân vào trường là một cô bé, cậu bé 18 tuổi ngây thơ, trầm trồ với mọi thứ, ta bước ra là những cử nhân, kĩ sư, bác sĩ đã trưởng thành bằng những nỗ lực và vất vả. Chúng ta sẽ nhìn lại về chặng đường ta đã qua và có nhiều lúc ta sẽ nói “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này xin hãy ước muốn cho thời gian trở lại”. Những kỉ niệm đẹp của mỗi chúng ta sẽ in dấu mãi từng góc ghế đá, từng gốc cây, con đường…và ngôi trường này.
                                                                                                                        Trần Kiều Ly
                                                                                      Sinh viên lớp K63CKCTM, Khoa Cơ – Điện