Hội thảo “CƠ ĐIỆN NÔNG NGHIỆP VỚI CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0”

Những năm gần đây, nền kinh tế đang thay đổi một cách mạnh mẽ bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành nông nghiệp nước ta trong bối cảnh đó cũng đang phát triển theo một hướng mới, trở thành nền nông nghiệp thông minh ứng dụng nhiều công nghệ trong lĩnh vực cơ-điện như: Trí tuệ nhân tạo, in 3D, Robot thay thế con người, … Trước xu thế đó, khoa Cơ – Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung đẩy mạnh nghiên cứu theo hướng chế tạo các thiết bị máy móc để giải quyết yêu cầu của nền sản xuất công nghiệp 4.0.

Nhằm mục đích giới thiệu về các nghiên cứu khoa học 4.0, ngày 19/11/2017 khoa Cơ – Điện đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Cơ điện nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tới dự với Hội thảo có PGS. TS. Chu Văn Thiện – Phó chủ tịch Hội cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, TS. Lê Xuân hảo – Viện Cơ điện nông nghiệp & CNSTH, PGS. TS. Lê Minh Lư – Trưởng Khoa Cơ – Điện cùng toàn thể cán bộ, giảng viên khoa Cơ – Điện.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Hải – Phó Trưởng khoa Cơ – Điện đã tổng kết những thành tựu khoa học kỹ thuật đã đạt được trong năm của Khoa đồng nêu bật vai trò của khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đặc biệt là lĩnh vực cơ điện nông nghiệp như việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các thành tựu và hạn chế trong thời gian qua.

TS. Nguyễn Thanh Hải phát biểu tổng kết tình hình KHCN 2018

Sau phần khai mạc, Hội thảo lắng nghe và thảo luận các chủ đề đến từ các chuyên gia, các thầy cô và các nghiên cứu sinh của khoa gồm:

– TS. Nguyễn Thị Hiên với đề tài “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cơ hội và thách thức với cơ điện nông nghiệp Việt Nam”

– ThS. NCS. Đặng Đức Thuận, ThS.NCS. Phạm Trọng Phước, TS. Bùi Việt Đức, PGS.TS. Đặng Tiến Hòa, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Quế với đề tài “Nghiên cứu chuyển đổi liên hợp máy Yanmar 3000 truyền động cơ khí về liên hợp máy xúc lật truyền động thủy lực

– ThS.NCS. Phạm Trọng Phước,  TS. Bùi Việt Đức, PGS.TS. Đặng Tiến Hòa với đề tài “Nghiên cứu xác định mô men quán tính với các trục qua trọng tâm của liên hợp máy Yanmar 3000 truyền động thủy lực bằng thực nghiệm”

– ThS. Phạm Thị Lan Hương với đề tài “Tìm hiểu và lựa chọn đầu báo cháy cho hệ thống báo cháy tự động sử dụng ICNE555 tích hợp cảm biến khói và nhiệt”

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, tại Hội thảo Khoa cũng đã gửi lời chúc tốt đẹp đến các thầy cô giáo, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa trong những năm qua.

Hội thảo đã diễn ra thành công và để lại nhiều ấn tượng cho các đại biểu tham dự. Đây là một hoạt động, một sự kiện thường niên của Khoa nhằm trao đổi thông tin, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, đồng thời góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học tạo tiền đề để Khoa Cơ – Điện đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu trong những năm tiếp theo.

 Một số hình ảnh tại Hội thảo:

PGS. TS. Lê Minh Lư điều hành Hội thảo

TS. Nguyễn Thị Hiên trình bày chuyên đề trước Hội thảo

PGS.TS. Chu Văn Thiện thảo luận tại Hội thảo