Bản tin Seminar tuần 01 năm 2019

TS. Nguyễn Thị Hiên mở đầu với chuyên đề Matlab/Simulink và ứng dụng mô phỏng hệ thống gồm có 2 phần. Matlab/Simulink là một phần mềm mạnh trong tính toán, mô phỏng các bài toán trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật khác nhau: Điều khiển, truyền động, xử lý hình ảnh, số liệu, … Một số thao tác với tính toán số, ma trận, giải các bài toán phân tích mạch điện; Mô tả, chuyển đổi, tính toán tối ưu, mô phỏng các hệ thống điều khiển cũng được tác giả mô tả trực tiếp trên phần mềm. Thư viện Simulink với rất nhiều khối, thiết bị sử dụng trong mô phỏng các hệ thống cơ điện (máy điện, hệ thống cơ khí, bộ chuyển đổi điện tử công suất, …) cũng được giới thiệu trong phần này với một số ví dụ mô phỏng cụ thể.

TS. Nguyễn Thị Hiên trình bày trong buổi Sermina

Một số ứng dụng của Matlab/Simulink trong việc tính toán, mô phỏng hệ thống điều khiển tốc độ động cơ (một chiều, xoay chiều ba pha) sử dụng bộ điều khiển mờ hay thuật toán FRIT, đây là một số kết quả nghiên cứu của tác giả trong thời gian vừa qua, đã được sử dụng trong các công bố trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới, tác giả sẽ nghiên cứu việc liên kết Matlab với một số ngôn ngữ lập trình hay bộ công cụ khác để thực hiện tính toán mô phỏng hiệu quả các hệ thống cơ điện tử, phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên trong Khoa.

Với những phân tích trên, tác giả đi đến kết luận Matlab/Simulink là một công cụ tính toán mạnh trong lĩnh vực kỹ thuật và được sử dụng rất phổ biến, ngay cả với thế giới. Việc sử dụng/sử dụng thành thạo một phần mềm tính toán trong lĩnh vực cơ điện là hết sức cần thiết. Tính toán, mô phỏng các hệ thống kỹ thuật trước khi áp dụng trong thực tế là việc làm cần thiết và vô cùng ý nghĩa đối với các hệ thống kỹ thuật. Matlab/Simulink là một phần mềm mà các trường đại học, các chuyên gia, công ty hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật cũng tin dùng. Hy vọng trong thời gian tới, tác giả sẽ có thể giới thiệu nhiều hơn nữa các kết quả ứng dụng của phần mềm trong lĩnh vực cơ điện tử.

Tiếp nối seminar TS. Ngô Thị Hiền đem đến chuyên đề Phân biệt hai giai đoạn sấy dựa vào sự thay đổi nhiệt độ của quả việt quất trong quá trình sấy lạnh. Sấy lạnh là một phương pháp sấy tiên tiến, hiện đại. Trong quy trình công nghệ sấy lạnh, giai đoạn sấy được chia làm hai bước là thăng hoa và sấy ẩm dư.  Để thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị sấy lạnh cần thiết phải tính toán được thời gian thăng hoa và sấy ẩm dư. Có nhiều phương pháp để tính toán thời gian thăng hoa và sấy ẩm dư, tuy nhiên khá phức tạp và không chính xác. Tính toán thời gian sấy thăng hoa và sấy ẩm dư dựa trên biểu đồ thay đổi nhiệt độ của sản phẩm trong quá trình sấy là một phương pháp đơn giản và khá chính xác. Đối với quả Việt quất, phương pháp này khá chính xác và có thể áp dụng kết quả cho việc tính toán thiết kế hệ thống thiết bị sấy lạnh.

TS. Ngô Thị Hiền trình bày trong buổi Sermina

Sấy lạnh là phương pháp sấy có nhiều ưu việt do giữ được chất lượng của sản phẩm sấy và đã được sử dụng từ khá lâu. Việc tính toán thời gian của các giai đoạn sấy có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tính toán thiết kế hệ thống thiết bị sấy. Kết quả nghiên cứu của tác giả đối với quả việt quất có thể mở rộng đối với các đối tượng sấy khác, làm cơ sở cho các bài toán sấy sau này.